Nhà đầu tư gác lại lo ngại, chứng khoán châu Á hồi phục mạnh
Thị trường chứng khoán châu Á hồi phục mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/4 sau tuyên bố bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với nhiều quốc gia. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng hơn 9%, trong khi các thị trường lớn như Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong nhiều năm vào ngày 10/4, khi chỉ số Nikkei 225 bật tăng 9,06% lên 34.587,26 điểm. Đà phục hồi đến sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tạm hoãn trong 90 ngày các biện pháp thuế quan đối với nhiều quốc gia, một động thái được giới đầu tư đánh giá là “giảm nhiệt” căng thẳng thương mại toàn cầu.
Toàn bộ 33 nhóm ngành trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đều tăng điểm. Trong đó, cổ phiếu nhóm kim loại màu dẫn đầu với mức tăng 12,65%, tiếp theo là nhóm ngân hàng với mức tăng 9,2%, nhờ lực cầu bắt đáy sau đợt bán tháo trước đó.
Các chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley nhận định, quyết định của ông Trump là tín hiệu tích cực đối với thị trường chứng khoán châu Á nói chung và thị trường Nhật Bản nói riêng, khi giới đầu tư tạm gác lại lo ngại về một cuộc chiến thuế diện rộng.

Tại Trung Quốc, các chỉ số chính đồng loạt hồi phục trong bối cảnh nhà đầu tư đánh giá lại tác động của thông báo thuế từ phía Mỹ. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 2,57% lên 20.787,85 điểm. Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,1% lên 3.221,87 điểm, trong khi chỉ số CSI300 nhích 1,28% đạt mức 3.734,04 điểm.
Tuy hoãn thuế với nhiều nước, Tổng thống Trump vẫn tăng cường sức ép lên Trung Quốc khi nâng thuế nhập khẩu lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc, từ mức 104% có hiệu lực chỉ một ngày trước đó. Sau khi Mỹ tăng thuế, Bắc Kinh lập tức đáp trả bằng mức thuế 84% lên hàng hóa Mỹ. Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các nhà cung cấp trên Amazon (AMZN.O), rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan - hoặc tăng giá bán tại thị trường Mỹ hoặc rút lui hoàn toàn. Chủ tịch một hiệp hội thương mại điện tử lớn của Trung Quốc gọi đây là “đòn giáng chưa từng có” với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thông tin đáng chú ý đến từ thương vụ niêm yết dự kiến của “ông lớn” ngành pin tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Theo hai nguồn tin thân cận, kế hoạch huy động ít nhất 5 tỷ USD của công ty này đã nhận được sự chấp thuận sơ bộ và sẽ là đợt IPO lớn nhất tại Hồng Kông kể từ sau khi Kuaishou huy động 6,2 tỷ USD vào năm 2021.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng vọt 6,03% lên 2.431,90 điểm, giữa lúc nền kinh tế nước này vẫn đối mặt với nhiều bất ổn chính trị sau khi cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội. Chính phủ Seoul vừa công bố các biện pháp hỗ trợ ngành ô tô, lĩnh vực đang chịu sức ép lớn từ mức thuế nhập khẩu 25% mà Mỹ vừa áp riêng.
Một số thị trường khác trong khu vực cũng ghi nhận diễn biến tích cực: chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 9,25% lên 19.000,03 điểm, S&P/ASX 200 của Australia tăng 4,54% đạt mức 7.709,60 điểm. Ngược lại, Sensex của Ấn Độ điều chỉnh nhẹ 0,51% còn 73.847,15 điểm. Thị trường Thái Lan tăng 3,45%, đưa chỉ số SET lên 575,31 điểm.
Trong bối cảnh bất định, các tài sản trú ẩn truyền thống như đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ trở lại vai trò “bến đỗ” của giới đầu tư. Đồng USD giảm 0,8% xuống 146,54 yên, và giảm 0,5% so với franc Thụy Sĩ, còn 0,8532. Đồng Euro tăng 0,3%, giao dịch ở mức 1,0983 USD.
Đồng đô la Úc hồi phục 0,5% lên 0,6185 USD, sau khi lao dốc 3,3% trong phiên trước. Đồng Đô la New Zealand tăng 0,8% lên 0,5694 USD, tiếp nối đà tăng 2,1% trong phiên liền trước. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm về 7,3518 CNY/USD trong đầu phiên – mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007 – nhưng sau đó phục hồi nhẹ về mức 7,3420.