Nhịp đập thị trường

Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh nhất thập kỷ sau động thái bất ngờ từ Nhà Trắng

Hoàng Thái 10/04/2025 06:27

Chứng khoán Mỹ bật tăng ngoạn mục trong phiên 9/4 sau quyết định tạm hoãn áp thuế 90 ngày của Tổng thống Trump, giúp S&P 500 vọt gần 10%, Nasdaq tăng hơn 12%. Cổ phiếu công nghệ, chip và hàng không dẫn đầu đà hồi phục mạnh mẽ, bất chấp những lo ngại về lạm phát và chính sách lãi suất vẫn còn hiện hữu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/4 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 10/4 giờ Việt Nam), các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng 474,13 điểm (9,52%), lên mức 5.456,90 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 1.857,06 điểm (12,16%) đạt 17.124,97 điểm, trong khi Dow Composite tăng 2.962,86 điểm (7,87%), chốt phiên ở mức 40.608,45 điểm.

Tất cả 11 nhóm ngành trong chỉ số S&P 500 đều đóng cửa trong sắc xanh. Ngành công nghệ tăng mạnh nhất với 14,15%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của các cổ phiếu chip và phần cứng sau chuỗi giảm sốc vì lo ngại thuế quan. Nhóm tiện ích tăng yếu nhất, chỉ đạt 3,91%.

chung-khoan-my-hoi-phuc-manh-me-trong-phien-9.4.jpg
Chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau quyết định hoãn thuế từ Trump

Cổ phiếu của Microchip Technology (MCHP) dẫn đầu đà tăng trong S&P 500 khi bật tới 27,1% lên 44,90 điểm, mức tăng hàng ngày cao nhất của cổ phiếu này trong nhiều năm. Trong khi đó, Monolithic Power Systems (MPWR) chuyên cung cấp chip quản lý năng lượng, cũng tăng 23,4%.

Cổ phiếu Advanced Micro Devices (AMD), vốn thu hút nhiều sự chú ý nhờ chip trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty, tăng mạnh 23,8% đạt 96,84 điểm. Đà tăng của cổ phiếu này diễn ra bất chấp việc bị hạ xếp hạng từ bởi các nhà phân tích tại KeyBanc Capital Markets, những người đã viện dẫn rủi ro giảm biên lợi nhuận gộp giữa bối cảnh cạnh tranh giá gia tăng với Intel (INTC). Cổ phiếu Intel hiện đang giao dịch ở mức 21.52 điểm sau khi tăng 18,75%.

Apple (AAPL), cổ phiếu từng chịu sức ép vì lo ngại thuế Trung Quốc, đã lấy lại đà tăng hiện đang giao dịch ở mức 198,85 điểm. Trong khi đó, cổ phiếu các công ty Trung Quốc như Alibaba (BABA) và JD.com (JD) cũng phản ứng tích cực – lần lượt tăng 1,07% và hơn 6%.

Tesla (TSLA) cũng tăng vọt 22,7% lên 272,20 điểm sau khi được tạm hoãn thuế quan trong 90 ngày. Công ty cũng được Benchmark liệt kê vào danh sách "ý tưởng đầu tư hàng đầu", nhờ định giá hấp dẫn hơn sau đợt giảm sâu, triển vọng doanh số phục hồi khi ra mắt xe mới và tiềm năng dài hạn từ sáng kiến robotaxi và công nghệ tự lái.

Delta Air Lines (DAL) gây bất ngờ khi công bố kết quả kinh doanh quý I vượt kỳ vọng, bất chấp kế hoạch cắt giảm tăng trưởng công suất trong nửa cuối năm do bất ổn kinh tế. Cổ phiếu của hãng tăng mạnh 23,4% lên 44,27 điểm. Trong khi đó đối thủ là United Airlines (UAL) thậm chí còn tăng mạnh hơn, vọt 26,1% đạt mức 70,83 điểm.

Trái với xu hướng chung, Dollar General (DG) giảm 1,9%, trở thành mã giảm mạnh nhất trong S&P 500. Áp lực đến từ kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng chuyển hướng sang phân khúc tiết kiệm do lo ngại kinh tế.

Cổ phiếu của MarketAxess Holdings (MKTX), công ty vận hành nền tảng giao dịch điện tử cho chứng khoán thu nhập cố định cũng mất 1,5% sau khi UBS hạ mục tiêu giá, bất chấp việc nâng dự báo thu nhập quý I.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6,8 điểm cơ bản lên 4,328%, sau khi Bộ Tài chính ghi nhận lực cầu mạnh tại phiên đấu giá buổi chiều. Trước đó, lợi suất từng chạm 4,515%, cao nhất kể từ tháng 2. Như thường lệ, lợi suất trái phiếu biến động ngược chiều với giá.

Tổng thống Trump thông báo hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với một loạt quốc gia, đồng thời nâng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 125%. Đây được xem là nỗ lực xoa dịu thị trường tài chính sau khi các chỉ số lao dốc mạnh trong tuần trước. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng do chưa rõ định hướng dài hạn của chính sách thuế quan.

Biên bản cuộc họp 18-19/3 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho thấy các quan chức đồng thuận rằng nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nguy cơ "stagflation" – lạm phát dai dẳng trong khi tăng trưởng suy yếu. Một số thành viên cho rằng Fed có thể phải đối mặt với “những đánh đổi khó khăn”, thậm chí giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn nếu áp lực lạm phát không hạ nhiệt.

Fed đã điều chỉnh giảm số lần cắt giảm lãi suất dự kiến trong năm 2024 từ ba xuống còn hai lần, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm. Các nhà đầu tư cũng đã điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tương tự, giảm số lần cắt lãi suất từ bốn xuống còn ba.

Hoàng Thái