Thứ hạt nhỏ xíu của Việt Nam khiến Mỹ "nghiện" suốt thập kỷ: Mỗi năm chi hơn 1 tỷ USD để mua
Thứ hạt này tiếp tục là "vàng nông sản" của Việt Nam, giữ vững vị trí "khách ruột" số 1 của thị trường Mỹ suốt 10 năm qua.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, hạt điều – một trong những “sản vật” xuất khẩu chủ lực của Việt Nam – vẫn giữ vững sức hút đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu tới 55.839 tấn hạt điều, thu về hơn 839 triệu USD. Đáng chú ý, Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất với gần 29.000 tấn, trị giá gần 200 triệu USD.

Hạt điều từ lâu đã là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Trong tháng 3/2025, xuất khẩu hạt điều tăng mạnh tới 93,6% về lượng và 92,4% về trị giá so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân tiếp tục tăng cao, với mức 6.830 USD/tấn – tăng đến 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại thị trường Mỹ, dù giảm 26% về lượng so với cùng kỳ năm 2024, nước này vẫn nhập khẩu gần 29.000 tấn hạt điều từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2025, đạt kim ngạch gần 197,4 triệu USD. Năm 2024, Mỹ từng chi kỷ lục hơn 1,15 tỷ USD để mua gần 192.200 tấn hạt điều Việt, chiếm tới 98% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này tại quốc gia này.
Vì sao Mỹ không thể “bỏ rơi” hạt điều Việt Nam?
Khác với nhiều mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ chịu thuế đối ứng cao theo sắc lệnh thương mại mới của Tổng thống Donald Trump, hạt điều được đánh giá là “ít bị ảnh hưởng”. Nguyên nhân chính nằm ở việc Mỹ không có vùng trồng điều nội địa, cũng như không có hệ sinh thái chế biến điều quy mô lớn. Do đó, sản phẩm điều Việt Nam không gây áp lực cạnh tranh cho ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, mặt hàng này được xếp vào nhóm thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, sữa… và hiện đang được duy trì ở mức thuế 0%. Trong bối cảnh chính sách thương mại Mỹ đang nhắm tới kiểm soát lạm phát, khả năng tăng thuế nhập khẩu với hạt điều là rất thấp.
Thị trường điều chế biến của Mỹ tăng trưởng mạnh
Theo báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu thị trường, thị trường hạt điều chế biến tại Mỹ dự kiến đạt giá trị 693,3 triệu USD vào năm 2025 và sẽ tăng lên hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2035. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm dự kiến đạt khoảng 6,9% nhờ xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, giàu dinh dưỡng và tiện lợi trong sử dụng.
Sự bùng nổ của ngành thực phẩm lành mạnh tại Mỹ cũng khiến nhu cầu nhập khẩu các loại hạt, đặc biệt là hạt điều, tăng mạnh trong nhiều năm qua. Hạt điều không chỉ được tiêu thụ dưới dạng snack mà còn là nguyên liệu cho các sản phẩm như sữa hạt, bơ hạt, bánh kẹo cao cấp và thực phẩm chức năng.

Ngoài Mỹ, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của hạt điều Việt Nam, với 17.400 tấn, trị giá 109,5 triệu USD. Hà Lan đứng thứ ba với gần 12.000 tấn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chiếm khoảng 25–27% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong 10 năm qua – một tỷ lệ khẳng định vị trí “khách hàng số 1” không thể thay thế.
Dù hiện chưa có dấu hiệu hạt điều bị áp thuế đối ứng cao, nhưng trong bối cảnh thương mại quốc tế biến động khó lường, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vẫn khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động theo dõi sát các diễn biến chính sách từ Mỹ. Đồng thời, doanh nghiệp cần rà soát lại hợp đồng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường sang các khu vực như EU, Trung Đông, Hàn Quốc… để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc.
Một điểm tích cực đáng chú ý là dù sản lượng hạt điều xuất khẩu giảm 18,7% trong quý I/2025, song giá trị kim ngạch lại tăng tới 4% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy xu hướng xuất khẩu có chọn lọc, tập trung vào chất lượng cao và sản phẩm giá trị gia tăng – phù hợp với định hướng chiến lược dài hạn của ngành điều Việt Nam.