Hòa Phát kiên định với mục tiêu tăng trưởng 24,79% lợi nhuận sau thuế
Tập đoàn Hòa Phát vừa có động thái điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024 chỉ ít ngày sau khi công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025. Tuy vậy, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2025 vẫn được giữ nguyên, cho thấy định hướng phát triển đã được hoạch định rõ ràng và nhất quán dù thị trường có nhiều biến động.
Trong bối cảnh thị trường thép toàn cầu đối mặt với những biến động do chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, Tập đoàn Hòa Phát đã có điều chỉnh chính sách cổ tức để đảm bảo sự ổn định tài chính.

Cụ thể, ngày 27/3, Hòa Phát công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 dự kiến vào ngày 17/4, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm tới và tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2024.
Tuy nhiên, đến ngày 8/4, doanh nghiệp bất ngờ điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2024, chuyển toàn bộ sang hình thức cổ phiếu nhằm duy trì nguồn tiền mặt. Dù vậy, chiến lược kinh doanh năm 2025 của Hòa Phát vẫn được giữ nguyên, không có sự thay đổi nào đáng kể.
Theo kế hoạch kinh doanh 2025, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng 22,43% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 24,79% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng đáng kể, phản ánh kỳ vọng của doanh nghiệp vào sự phục hồi và phát triển của ngành thép sau giai đoạn biến động.

Nguồn: Trung tâm dữ liệu fitrade.kinhtechungkhoan.vn
Bên cạnh đó, Hòa Phát đặt mục tiêu năm 2025 hoàn thành lò cao số 2 Dung Quất 2, đầu tư sản xuất thép chất lượng cao phục vụ thị trường trọng điểm và xuất khẩu. Tập đoàn tiếp tục phát huy thế mạnh chăn nuôi, mở rộng bất động sản khu công nghiệp, phát triển điện máy gia dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó có triển khai hệ thống quản lý dữ liệu nhân sự toàn Tập đoàn.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Hòa Phát được đặt ra trong bối cảnh ngành thép Việt Nam đang đối mặt với những biến động về thuế quan quốc tế.
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40% đến 88% đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước. Trong đó Công ty TNHH Tôn Hòa Phát - thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chịu mức thuế 49,42%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn đối mặt với một cuộc điều tra chống trợ cấp cũng do DOC tiến hành. Nếu kết quả thể hiện có hành vi trợ cấp không phù hợp, mức thuế đối kháng sẽ được áp dụng bổ sung- làm tăng áp lực tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đã gây lo ngại trong ngành xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành thép, đặc biệt là Tập đoàn Hòa Phát, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế này. Nguyên nhân là các mặt hàng thép đã chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại, với mức thuế 25%, và do đó không bị áp thêm thuế đối ứng.
Theo nhận định của ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA, thép Việt Nam không bị “đánh thuế kép” giúp cho xuất khẩu thép Việt Nam giảm thiểu thiệt hại đáng kể. Với mức thuế 25% áp dụng cho thép Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, các doanh nghiệp thép trong nước đã chịu từ 2018, nhưng tới nay vẫn giữ vững được đà xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Do đó, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng sang Hoa Kỳ, trong khi nhiều ngành khác gặp khó khăn do thuế cao.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích CTCK Nhất Việt cho hay. bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu ngành như HPG đã bắt đầu có những bước triển khai. Những chính sách đó giúp tạo kì vọng sự đột biến trong kinh doanh của doanh nghiệp, giúp lợi nhuận quay lại thời kì đỉnh cao. Nhóm thép xét về mặt giá CP cũng có những nhịp chỉnh tương đối sâu và tích lũy nên đến bây giờ đối với nhóm thép sẽ là vùng có thể tạo ra những điểm mua tốt cho chu kì đầu tư mới.
Hơn nữa, việc Mỹ áp thuế 25% lên tất cả các quốc gia xuất khẩu thép vào thị trường này đã tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam so với các nước khác khi tiếp cận thị trường Mỹ. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, với mức thuế từ 19,38% đến 27,83%, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Điều này tạo điều kiện cho các công ty sản xuất thép nội địa trong đó có Hòa Phát tăng sản lượng và cải thiện biên lợi nhuận.
Theo đánh giá của Hiệp hội thép Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2025, ngành thép Việt Nam với nhiều tiềm năng đến từ việc phục hồi giá bán và biên lợi nhuận gộp. Dự kiến giá thép xây dựng công trình nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với kỳ vọng trước) nhờ vào tình hình tăng giá thép thế giới và nhu cầu tăng ở thị trường Việt Nam. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, các chính sách liên quan đến đầu tư công được đẩy mạnh từ đó thúc đẩy nhu cầu thép.
CTCK SSI cho rằng triển vọng cho ngành thép Việt Nam năm 2025 vẫn tích cực, dựa trên kỳ vọng giá thép đã chạm đáy và sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là một trong những doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu Việt Nam, hoạt động chính trong các lĩnh vực: gang thép, sản phẩm thép, nông nghiệp, bất động sản và điện máy gia dụng. Với quy mô lớn và chiến lược phát triển bền vững, Hòa Phát không ngừng mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, giữ vững vai trò dẫn đầu ngành thép Việt Nam.
Hiện Hòa Phát niêm yết 6.396.250.200 trên thị trường chứng khoán. Trong đó một số cổ đông lớn gồm: Ông Trần Đình Long- Chủ tịch HĐQT nắm giữ 1.650.000.000 cổ phiếu (tương đương 25,80 %), bà Vũ Thị Hiền nắm giữ 6,88% vốn điều lệ, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nắm 2,27%, Công ty TNHH Đầu tư Doanh nghiệp Việt Nam nắm giữ 1,04%.
Hòa Phát hiện sở hữu 5 công ty con bao gồm: Công ty CP Gang Thép Hòa Phát, Công ty CP Phát triển Bất động sản Hòa Phát, Công ty CP Điện máy gia dụng Hòa Phát, Công ty CP Sản phẩm Thép Hòa Phát, Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát.