Nhịp đập thị trường

Nhóm trụ VIC, VHM nỗ lực đỡ chỉ số, đà giảm VN-Index được thu hẹp đáng kể

Đức Anh 09/04/2025 16:01

Phiên giao dịch 9/4, VN-Index tiếp tục giảm 38,49 điểm, lùi về 1.094,30 điểm. Áp lực bán lan rộng toàn thị trường, đặc biệt ở nhóm ngân hàng, dầu khí và tài nguyên cơ bản. Điểm sáng là các mã lớn như VIC, VHM đã bắt đầu hồi phục tích cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mất điểm trong phiên giao dịch ngày 9/4, khi lực bán vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Kết phiên, VN-Index giảm thêm 38,49 điểm, tương đương mức giảm 3,40%, lùi về mốc 1.094,30 điểm. Dù mức giảm không còn quá sốc như phiên trước đó, nhưng việc chỉ số tiếp tục lao dốc trong bối cảnh thanh khoản lên tới hơn 32.400 tỷ đồng.

1.jpg
Diễn biến các chỉ số phiên 9/4

Chỉ số VN30, đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, cũng không tránh khỏi đà suy yếu khi giảm 28,83 điểm, tương đương 2,41%, còn 1.168,68 điểm. Số lượng cổ phiếu giảm giá trong rổ này vẫn chiếm áp đảo, dù đã bắt đầu xuất hiện lực cầu tại một vài mã lớn. Giao dịch toàn rổ VN30 đạt tới 711,8 triệu cổ phiếu với giá trị gần 18.888 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục bị kéo lùi khi giảm 8,47 điểm (4,21%) xuống còn 192,58 điểm, trong khi UPCoM-Index gần như đi ngang khi chỉ mất nhẹ 0,09 điểm (0,10%), dừng ở 84,41 điểm. Dù vậy, mức thanh khoản trên cả hai sàn này vẫn duy trì ở ngưỡng cao với tổng giá trị giao dịch hơn 2.900 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số trong phiên này khá khiêm tốn, với sự trở lại của một vài trụ cột như VIC tăng 3,45%, VHM tăng 3,19%, SAB tăng 3,52%, cùng với VRE và LPB cũng hồi phục nhẹ. Tuy nhiên, mức cộng điểm của cả 5 mã này cũng chỉ dừng lại ở khoảng hơn 4 điểm, quá nhỏ để có thể cứu vãn đà lao dốc của chỉ số.

anh(1).jpg
Nguồn: Fitrade

Ngược lại, nhóm ngân hàng và dầu khí tiếp tục là tâm điểm của áp lực bán, kéo chỉ số đi xuống. VCB giảm 5,91%, lấy đi 6,4 điểm khỏi VN-Index, trong khi CTG, BID, HPG và GAS đồng loạt giảm từ 3% đến gần 7%, khiến chỉ số mất thêm hơn 8 điểm.

Nhóm dầu khí điều chỉnh khi toàn ngành để mất tới 7%, trong đó các mã lớn như GAS, PVD, PVS, PLX đều giảm sát sàn, riêng PVS mất gần 10%.

Tài nguyên cơ bản và hóa chất lần lượt giảm 6,79% và 6,01%. Những cái tên mất điểm như HPG, HSG, NKG, GVR, DGC hay DPM và một số mã như MSR, MTA, MVB, VGS hay GDA giảm sâu từ 10% đến gần 15%, đánh dấu mức điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay của nhóm nguyên vật liệu. Trong khi đó, ngành dịch vụ tài chính cũng không khá hơn khi lùi 5,99%, với loạt mã như SSI, VND, VCI, HCM, SHS, BVS đồng loạt giảm kịch biên độ.

Nhóm ngân hàng tiếp tục mất phong độ khi giảm 3,39%. Các cổ phiếu lớn như VCB, CTG, BID, EIB, HDB, VPB đều chìm trong sắc đỏ, chỉ một vài cái tên như LPB, SGB, SSB, NAB đi ngược xu hướng.

Đáng chú ý, nhóm bất động sản có phần giảm nhẹ hơn so với mặt bằng chung khi chỉ lùi 0,92%, nhờ sự bứt phá đáng kể từ VIC, VHM và VRE với mức tăng lần lượt 3,45%, 3,19% và 2,86%, qua đó góp phần níu giữ chỉ số VN-Index khỏi một phiên giảm quá sâu. Tuy nhiên, đằng sau ánh sáng le lói ấy, phần lớn các mã mid-cap như KDH, DXG, PDR, DIG hay HQC vẫn giảm sàn la liệt.

Một số nhóm ngành khác cũng không tránh khỏi vòng xoáy điều chỉnh như xây dựng – vật liệu (-3,51%), thực phẩm – đồ uống (-1,71%) hay bán lẻ (-5,17%), với loạt cổ phiếu như HBC, CTD, MWG, DGW, VNM, MSN, MPC, IDI đồng loạt điều chỉnh.

Điểm sáng hiếm hoi trong phiên đến từ một vài mã nhỏ thuộc nhóm ngành công nghiệp và thực phẩm khi STW tăng 12,5%, SGC tăng 8,87%, VFS tăng 7,5% hay WSB tăng hơn 7%, tuy nhiên ảnh hưởng tới chỉ số chung là không đáng kể.

Đức Anh