Gia Lai giải 'bài toán' vật liệu san lấp cho cao tốc 43.500 tỷ đồng
Ít nhất 9 mỏ đất san lấp đã được Gia Lai đấu giá thành công nhằm phục vụ các công trình xây dựng, trong đó có cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm, đặc biệt là Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh công tác rà soát, đấu giá và quy hoạch các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 9 khu vực mỏ đất san lấp tại các huyện Ia Grai, Kbang, Kông Chro, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa với tổng trữ lượng hơn 1,4 triệu m³. Kết quả đang được hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Theo Công văn số 709/UBND-CNXD mới được UBND tỉnh Gia Lai ban hành, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ động rà soát toàn bộ các điểm mỏ vật liệu xây dựng còn trữ lượng, chưa đóng cửa hoặc hết hạn nhưng có thể tái sử dụng. Việc xác định các khu vực này giúp kịp thời cung cấp nguyên liệu trong trường hợp được áp dụng cơ chế đặc thù mà không cần tổ chức đấu giá, tránh tình trạng bị động trong thi công.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục lựa chọn những khu vực mỏ nằm trong quy hoạch khoáng sản nhóm III đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Những khu vực này sẽ được đưa vào kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và năm 2025, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm tới.
Thực tế tại địa phương cho thấy, nhiều huyện đang thiếu hụt nguồn cung vật liệu. Đơn cử toàn huyện Mang Yang chỉ còn một mỏ đá đang khai thác với trữ lượng 20.000 m³/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng. Do đó, huyện đã bổ sung thêm hai mỏ đá với tổng diện tích gần 20 ha vào quy hoạch đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2025. Đồng thời, huyện cũng đã cập nhật 29 khu vực mỏ với tổng diện tích hơn 178 ha gửi về Sở để trình UBND tỉnh xem xét.
Ngày 8/4, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác quý 2/2025,
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - ông Rah Lan Chung đề nghị các sở, ngành liên quan
phối hợp chuẩn bị cho công tác thi công tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước (Sở Nông nghiệp và Môi trường), cho biết đơn vị đã phối hợp với các địa phương kiểm tra 70 mỏ đất, đá, cát trên toàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý các mỏ nằm dọc tuyến Quốc lộ 19, trùng với hành lang dự án cao tốc đi qua như các huyện Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Kết quả kiểm tra sẽ được tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đợt đấu giá tiếp theo.
Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030. Theo tờ trình mới nhất của Ban Quản lý Dự án 2 gửi Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 43.500 tỷ đồng, tăng đáng kể so với phương án trước đó là gần 39.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do chiều dài tuyến tăng, chi phí giải phóng mặt bằng điều chỉnh theo giá đất mới, cùng với các yếu tố phát sinh trong quản lý và tư vấn dự án.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây có chỉ đạo, yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo quy định, hoàn thành thẩm định, trình Chính phủ trước ngày 10/4/2025
Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dài khoảng 125 km, qua Bình Định 40 km và Gia Lai 85 km, tổng vốn đầu tư hơn 43.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. Bộ Xây dựng dự kiến trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2025, hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025, khởi công trong năm và đưa vào khai thác năm 2029.