Chuyển động

Gemadept phản ứng với chính sách thuế mới của Mỹ

Thu Hà 09/04/2025 08:31

Gemadept cho biết tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng, đồng thời đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới từ Mỹ. Công ty cũng đang đẩy mạnh các tuyến vận tải sang châu Âu, Canada, Brazil và khu vực Nội Á nhằm giảm thiểu rủi ro.

Trước những tác động về việc Mỹ điều chỉnh chính sách thuế nhằm bảo vệ sản xuất nội địa, Công ty CP Gemadept (HOSE: GDM) cho biết tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của họ là tương đối hạn chế. Cụ thể, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ hiện chỉ chiếm chưa tới 10% tại cảng Nam Đình Vũ và dưới 20% tại cảng nước sâu Gemalink – hai đầu mối logistics chủ lực của doanh nghiệp. Điều này giúp Gemadept giảm bớt rủi ro trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.

gmd.jpg
Năm 2024, doanh thu của Gemalink đạt 4.832 tỷ đồng – cao nhất trong 10 năm trở lại đây

Bên cạnh đó, công ty đã sớm xây dựng các kịch bản ứng phó và đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu. Riêng trong tháng 4/2025, cảng Gemalink đã ghi nhận thêm bốn tuyến dịch vụ quốc tế mới kết nối với châu Âu, Canada và Brazil. Động thái này được kỳ vọng sẽ giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đồng thời giúp Gemadept duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh biến động toàn cầu.

Song song với đó, khu vực Nội Á – bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN – được dự báo sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Mỹ. Gemadept đang đẩy mạnh phát triển các tuyến kết nối khu vực này, nhằm nắm bắt cơ hội và củng cố vị thế tại thị trường châu Á.

Về mặt đầu tư, Gemadept tiếp tục mở rộng quy mô khai thác. Dự kiến trong quý IV/2025, giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ sẽ chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng công suất toàn cụm lên 2 triệu TEU. Trước đó, năm 2024, cụm cảng này đã vượt mức công suất thiết kế khi xử lý 1,3 triệu TEU. Tại phía Nam, cảng Gemalink đang bước vào giai đoạn mở rộng thứ hai, hướng tới tổng công suất 3 triệu TEU, sau khi đạt 1,75 triệu TEU trong năm 2024.

Ở chiều ngược lại, Gemadept cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ luồng hàng nhập khẩu, đặc biệt nhờ chính sách thuế nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng như thiết bị công nghệ cao, năng lượng tái tạo và dược phẩm. Công ty cho rằng điều này có thể thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng hai chiều, gia tăng hiệu quả vận hành.

Để hỗ trợ khách hàng trước các thay đổi chính sách, Gemadept đang tích cực phối hợp với các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan chức năng, nhằm thúc đẩy tiến độ giao hàng và giảm thiểu tác động tiêu cực. Đồng thời, công ty cũng theo sát các cuộc đàm phán về thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ để có sự điều chỉnh kịp thời.

Biến động cổ phiếu GMD: Lãnh đạo mua vào giữa lúc khối ngoại thoái lui

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GMD của Gemadept chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những thông tin quốc tế bất lợi. Trong ba phiên liên tiếp từ ngày 3 đến 8/4, mã cổ phiếu này giảm sàn và đóng cửa ở mức 45.350 đồng – mức thấp nhất trong gần 20 tháng, tương đương mức giảm hơn 26% chỉ trong vòng một tháng.

Trước đà giảm mạnh, ông Nguyễn Thế Dũng – Phó Tổng Giám đốc Gemadept – đã đăng ký mua vào một triệu cổ phiếu GMD từ ngày 11/4 đến 9/5, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0,21% lên 0,45%. Với mức giá hiện tại, thương vụ này ước tính có giá trị khoảng 45 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, ông Dũng là người có thu nhập cao nhất trong Ban Tổng Giám đốc, với mức bình quân hơn 407 triệu đồng mỗi tháng, tương đương gần 4,9 tỷ đồng cả năm – cao gấp hơn hai lần so với năm 2023.

Ngược lại, quỹ đầu tư KIM Việt Nam lại liên tục rút vốn khỏi GMD. Ngày 27/3, quỹ này bán ra 200.000 cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn. Trước đó một tháng, KIM đã bán thêm 490.000 cổ phiếu và chỉ trong hơn một tháng, tổng lượng cổ phiếu GMD mà nhóm này bán ra đã vượt mốc 4 triệu đơn vị.

gmd.png
Kết quả kinh doanh của Gemadept các năm gần đây

Mặc dù cổ phiếu sụt giảm mạnh, kết quả kinh doanh năm 2024 của Gemadept vẫn cho thấy một số điểm sáng. Doanh thu đạt 4.832 tỷ đồng – cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, lợi nhuận ròng lại giảm 35% so với năm trước, xuống còn hơn 1.923 tỷ đồng, chủ yếu do không còn khoản thu tài chính đột biến từ hoạt động chuyển nhượng vốn. Dù vậy, lợi nhuận vẫn được đánh giá ở mức khá so với trung bình 5 năm gần nhất.

Thu Hà