Giá thép hôm nay 9/4/2025: Thép thanh giảm sâu
Giá thép hôm nay tại Việt Nam duy trì ổn định trên cả ba miền, trong khi thị trường quốc tế biến động do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Giá thép trong nước ổn định
Tại miền Bắc, các thương hiệu Hòa Phát, Việt Đức, VAS và Việt Sing đồng loạt giữ giá không đổi. Cụ thể:

Thép Hòa Phát loại CB240 ở mức 13.530 đồng/kg, thép D10 CB300 là 13.580 đồng/kg.
Việt Đức báo giá CB240 ở mức 13.430 đồng/kg, D10 CB300 là 13.740 đồng/kg.
VAS ghi nhận mức 13.400 đồng/kg cho CB240 và 13.450 đồng/kg cho D10 CB300.
Việt Sing giữ giá 13.330 đồng/kg cho CB240 và 13.530 đồng/kg với D10 CB300.
Tại miền Trung, giá thép Việt Đức CB240 được giữ ở mức 13.840 đồng/kg, còn D10 CB300 là 14.140 đồng/kg.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thương hiệu Tung Ho niêm yết giá 13.400 đồng/kg cho CB240 và 13.750 đồng/kg cho D10 CB300.
Giá thép quốc tế giảm mạnh do căng thẳng thương mại
Trái ngược với thị trường trong nước, giá thép thế giới có dấu hiệu điều chỉnh giảm. Trên Sàn Thượng Hải, thép thanh kỳ hạn tháng 5 giảm 2,7%, tương đương 87 nhân dân tệ/tấn, xuống còn 3.078 nhân dân tệ/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 9/9/2024.
Cùng thời điểm, giá quặng sắt – nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thép – cũng sụt giảm đáng kể. Trên Sàn Đại Liên, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giảm 3,36% xuống 762,5 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn Singapore, giá quặng sắt giảm 3,06 USD/tấn, còn 97,56 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 10/1/2025.
Nguyên nhân chính được cho là từ thông tin Trung Quốc áp thuế bổ sung 34% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nâng thuế thêm 50%, đưa tổng mức thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể lên đến 104%. Những động thái này khiến tâm lý thị trường trở nên thận trọng, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp nặng như thép và nguyên vật liệu.
Nhu cầu thực tế vẫn hỗ trợ thị trường nguyên liệu
Dù giá quặng sắt chất lượng thấp giảm, nhưng các chuyên gia cho rằng nhu cầu thực tế từ Trung Quốc vẫn duy trì ở mức cao. Theo Kallanish, giá quặng Fe 58% tại cảng Thanh Đảo đã tăng lên 91 USD/tấn ngày 2/4, từ mức 89 USD/tấn ngày 21/3, do các nhà máy thép Trung Quốc hạn chế việc bảo trì để duy trì sản lượng.
Trong khi đó, giá quặng chất lượng cao vẫn ổn định: Fe 65% giữ ở mức 117,04 USD/tấn, còn Fe 62% dao động quanh 104 USD/tấn.
Dữ liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) cho biết, tồn kho sản phẩm thép cán tại 21 thành phố lớn đã giảm 3,3% trong 10 ngày giữa tháng 3. Trong đó, thép cuộn cán nóng giảm 5,7%, cán nguội giảm 4%, thép tấm giảm 7% và thép thanh giảm 1%. Điều này tạo điều kiện cho các nhà máy tăng sản lượng trong tháng 4, góp phần hỗ trợ giá quặng.
Ấn Độ – Thị trường đáng chú ý với triển vọng tăng giá
Tại Ấn Độ, giá quặng Fe 57% hiện ở mức 32 USD/tấn (giá xuất xưởng tại Karnataka, chưa bao gồm VAT), còn quặng Fe 62% duy trì ở mức 56 USD/tấn. Tuy chưa ghi nhận biến động lớn, nhưng giới chuyên gia nhận định tháng 4 có thể chứng kiến xu hướng tăng giá.
Nguyên nhân là do sản lượng tháng 3 của NMDC – nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất nước này – giảm 5% so với tháng trước, xuống còn 2,02 triệu tấn. Tính cả năm tài chính 2024–2025, sản lượng giảm 2%. Việc đình công quy mô lớn hồi tháng 3 của công nhân đòi tăng lương là yếu tố chính dẫn đến sụt giảm này, và hiện tranh chấp lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, nhu cầu thép tại Ấn Độ vẫn duy trì tích cực. Trong hai tháng đầu năm 2025, sản lượng thép nội địa tăng 6,8% lên 26,3 triệu tấn. Theo dự báo của Deloitte, nhu cầu thép của nước này sẽ tăng trưởng từ 5–7,3%/năm đến năm 2030, cho thấy dư địa tiêu thụ còn lớn, tạo áp lực về nguồn cung quặng trong thời gian tới.