Hàng hóa - Giá cả

Một kim loại âm thầm vượt mặt vàng bạc: Trung Quốc, Mỹ đều tranh nhau tích trữ

Minh Phương 08/04/2025 12:37

Lần đầu tiên sau 16 năm, giá một kim loại ghi nhận biến động trong ngày mạnh chưa từng thấy, vượt qua cả vàng và bạc.

Ngày 7/4, thị trường kim loại toàn cầu chứng kiến một cơn địa chấn khi giá đồng – kim loại màu quan trọng hàng đầu bất ngờ lao dốc tới 7,7% chỉ trong 15 phút sau khi mở cửa trên Sàn giao dịch kim loại London (LME). Tuy nhiên, cú sụt mạnh này lại trở thành cơ hội “vàng” cho các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, khi chỉ sau đó chưa đầy 2 giờ, giá bật tăng gần 1.000 USD/tấn, đánh dấu mức biến động trong ngày lớn nhất kể từ năm 2009.

kimloaidong.png
Kim loại đồng lao dốc mạnh chưa từng thấy


Theo dữ liệu từ Argus Media, trong phiên giao dịch ngày 7/4, giá đồng dao động quanh mức 8.500 USD/tấn, có thời điểm rơi xuống gần 8.200 USD, trước khi phục hồi vượt mốc 9.000 USD. Khối lượng giao dịch đồng trên LME trong giờ giao dịch thứ hai cũng vọt lên mức cao nhất kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016.

Trung Quốc gom đồng mạnh tay khi giá chạm đáy

Là quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới – chiếm tới 60% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu – Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này. Các thương nhân cho biết nhu cầu mua từ các nhà chế tạo và nhập khẩu Trung Quốc tăng vọt, khi giá quốc tế xuống thấp hơn đáng kể so với giá nội địa. Điều này khiến hoạt động mua vào diễn ra “điên cuồng”, góp phần kéo giá hồi phục mạnh mẽ.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc tăng gom hàng khi giá thấp không phải là điều lạ. Quốc gia này có lịch sử lâu dài trong chiến lược tích trữ kim loại chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và đầu tư hạ tầng phục hồi.

Phí bảo hiểm đồng tại Trung Quốc cũng tăng mạnh, chạm mức 87 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 12/2023, cho thấy nhu cầu nội địa đang rất lớn. Một số nhà cung cấp cho biết họ không thể đáp ứng hết đơn đặt hàng, do lượng hàng tồn kho phần lớn đã được đặt trước cho việc xuất khẩu sang Mỹ.
Điểm đáng chú ý là giá đồng tại Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) trong phiên 7/4 đã cao hơn gần 1.000 USD/tấn so với giá tại LME. Sự chênh lệch này mở ra cơ hội lợi nhuận lớn cho các thương nhân nhập khẩu, đồng thời kích hoạt làn sóng gom hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch lớn giữa hai thị trường là dấu hiệu rõ nét cho thấy Trung Quốc đang thiếu nguồn cung đồng trong ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho sản xuất công nghiệp, điện tử và năng lượng tái tạo vẫn rất cao.

kimloaidong1.png
Đồng đang có giá cực thấp


Tương lai nào cho giá đồng: Liệu đợt tăng có bền vững?

Dù giá đồng vừa ghi nhận một cú phục hồi mạnh, các tổ chức tài chính lớn vẫn tỏ ra thận trọng. Ngân hàng Citigroup dự báo giá đồng sẽ giảm xuống vùng 7.500–8.000 USD/tấn trong ngắn hạn, do lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Tương tự, Bank of America cũng đưa ra cảnh báo giá đồng có thể lao xuống mức 5.700 USD/tấn nếu hoạt động sản xuất sụt giảm và lạm phát duy trì ở mức cao kéo dài.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, xu hướng dài hạn của đồng vẫn khả quan nhờ nhu cầu tăng cao từ các ngành điện khí hóa, năng lượng tái tạo và sản xuất ô tô điện. Đồng là kim loại thiết yếu trong hệ thống truyền tải điện và pin xe EV, khiến nó trở thành tâm điểm trong chiến lược chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Tầm quan trọng của đồng: “Hàn thử biểu” của kinh tế toàn cầu

Trong ngành hàng kim loại, đồng thường được xem là chỉ báo kinh tế nhạy bén nhất. Giá đồng tăng thường phản ánh nhu cầu sản xuất và xây dựng tăng mạnh – dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Ngược lại, khi giá đồng giảm, đó có thể là tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại hoặc suy thoái.

Vì vậy, cú biến động mạnh của giá đồng ngày 7/4 được giới chuyên gia đánh giá là “lời cảnh tỉnh” về những bất ổn đang hiện diện trên thị trường toàn cầu. Từ quyết định tăng sản lượng bất ngờ của OPEC+ đến rủi ro địa chính trị, tất cả đang khiến giới đầu tư lo ngại.

Minh Phương