Góc nhìn

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Chất xúc tác giải tỏa tâm lý nhà đầu tư

Đức Anh 08/04/2025 11:28

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực từ những biến động địa chính trị và căng thẳng thương mại, một tín hiệu tích cực đang dần hé lộ từ phía các tổ chức xếp hạng quốc tế.

FTSE Russell – tổ chức xếp hạng chỉ số toàn cầu có trụ sở tại London sẽ công bố kết quả đánh giá giữa kỳ phân loại thị trường quốc gia sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa vào ngày 8/4/2025, tức khoảng sáng 9/4 theo giờ Việt Nam.

Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào khả năng chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ “thị trường cận biên” lên “thị trường mới nổi hạng 2” – một cột mốc đã được kỳ vọng suốt từ năm 2018.

chung-khoan (4)
Việt Nam tiến sát nâng hạng lên thị trường mới nổi từ FTSE

Hiện tại, chứng khoán Việt Nam là một trong hai quốc gia còn lại trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE, bên cạnh Hy Lạp. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí cần thiết. Trong đó, hai rào cản cuối cùng là “Non-Prefunding” (không yêu cầu đặt cọc đủ tiền khi đặt lệnh mua) và “Xử lý giao dịch thất bại” (Failed Trades) đang dần được tháo gỡ.

Cụ thể, việc ban hành Thông tư 68/2024 – cho phép công ty chứng khoán nhận lệnh mua khi tài khoản chưa có đủ tiền đã chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2024 và được xem là cú huých lớn, giúp Việt Nam vượt qua tiêu chí Non-Prefunding. Còn về vấn đề xử lý giao dịch thất bại, Việt Nam đang nghiên cứu triển khai Tổ chức bù trừ trung tâm (CCP) theo chuẩn quốc tế, thông qua sửa đổi các nghị định hiện hành.

Theo bà Thea Jamison, Giám đốc Change Global Investment LLC, việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ là bước ngoặt lớn trong quá trình cải cách thị trường, mở đường để các cổ phiếu Việt Nam tiếp cận rộng hơn với dòng vốn từ các quỹ ETF toàn cầu. Đồng tình, ông Petri Deryng, nhà điều hành Pyn Elite, cũng cho rằng hệ thống giao dịch mới KRX, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 5/5, sẽ là yếu tố kỹ thuật then chốt giúp Việt Nam chuẩn hóa quy trình thanh toán và hỗ trợ triển khai mô hình CCP – vốn là điều kiện cần thiết trong đánh giá phân loại của FTSE.

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích quốc tế tỏ ra lạc quan về khả năng nâng hạng của Việt Nam ngay trong kỳ đánh giá tháng 4 này, hoặc muộn nhất là kỳ chính thức vào tháng 9 tới. Ông Bùi Tuấn, Giám đốc danh mục đầu tư tại Dragon Capital, chia sẻ: “Tôi tin rằng đến tháng 9, Việt Nam sẽ đạt đủ điều kiện. Việc lọt vào chỉ số thị trường mới nổi sẽ là bước chuyển mình lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư toàn cầu”.

Mặc dù những bất ổn từ thuế quan Mỹ với mức áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam đang phủ bóng lên thị trường, các chuyên gia cho rằng, quyết định nâng hạng vẫn là chất xúc tác tích cực có thể “giải nhiệt” phần nào tâm lý nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng bộ phận môi giới tổ chức tại Chứng khoán SBB, nhận định: “Việc được FTSE nâng hạng là cơ hội lớn để tăng tính thanh khoản, thu hút dòng vốn ngoại và cải thiện vị thế của thị trường Việt Nam trên bản đồ đầu tư quốc tế”.

Cũng theo giới phân tích, nếu được nâng hạng, những cổ phiếu lớn như Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes và Vinamilk, các mã có tỷ trọng cao trong chỉ số FTSE Vietnam sẽ là những cái tên hưởng lợi đầu tiên. “Việc kỳ vọng nâng hạng vào tháng 9 sẽ khiến các quỹ chủ động tái cơ cấu danh mục sớm, góp phần đẩy thanh khoản tăng lên ngay từ quý II”, ông Marco Martinelli, đối tác tại Turicum Investment Management, cho biết.

Dù vậy, một số chuyên gia lưu ý rằng việc lọt vào rổ chỉ số FTSE chỉ là bước đệm. Mục tiêu dài hạn, theo đó, vẫn là được MSCI – một tổ chức uy tín khác – công nhận Việt Nam là thị trường mới nổi. Nếu đạt được điều này, tác động về dòng vốn và mức độ hấp dẫn đầu tư toàn cầu sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần.

Đức Anh