Địa phương là kinh đô phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã trải qua bao lần sáp nhập rồi chia tách trong lịch sử?
Qua nhiều giai đoạn sáp nhập và phân chia, Huế đã phát triển từ đô thị cổ thời Pháp thành một thành phố di sản.
Huế qua các giai đoạn sáp nhập và phân chia hành chính
Huế mang trong mình bề dày lịch sử đặc biệt, không chỉ là cố đô của triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam mà còn là một trong những đô thị được thành lập theo hướng hiện đại khá sớm dưới thời Pháp thuộc. Trong quá trình phát triển, Huế đã trải qua nhiều lần điều chỉnh, sáp nhập và phân chia địa giới hành chính, góp phần hình thành nên diện mạo một đô thị vừa cổ kính, vừa hiện đại như ngày nay.
.jpg)
Sau khi triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Quý Mùi năm 1883 chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, Huế trở thành trung tâm hành chính quan trọng với sự hiện diện của chính quyền Pháp. Việc thành lập Tòa Công sứ Thừa Thiên và sau đó là thị xã Huế vào năm 1899 là bước ngoặt đánh dấu việc hình thành một đô thị mang dáng dấp phương Tây tại miền Trung Việt Nam. Năm 1929, thị xã Huế chính thức được nâng cấp thành thành phố Huế (Commune de Hué) với cơ cấu hành chính bao gồm Đốc lý và Hội đồng thành phố.
Tuy nhiên, do Huế là kinh đô triều Nguyễn, tại đây song song tồn tại hai thiết chế hành chính: hệ thống do người Pháp kiểm soát và hệ thống do Nam triều quản lý. Điều này phản ánh sự đan xen giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại trong bộ máy cai trị ở Huế lúc bấy giờ.
Đặc biệt, ngày 15/6/1938, chính quyền Đông Dương ra Nghị định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Quảng Ngãi vào tỉnh Thừa Thiên, và đến năm 1939, tổ chức thành hai đại lý hành chính trực thuộc tỉnh Thừa Thiên. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ về mặt hành chính mà còn về chủ quyền lãnh thổ.
Huế trong tiến trình thống nhất và tái lập địa giới hành chính sau 1975
Sau năm 1945, Huế được xác lập là một trong tám thành phố trực thuộc Trung ương theo Sắc lệnh số 77 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thành phố tiếp tục giữ vai trò là tỉnh lị của Thừa Thiên, nằm trong Khu 4 cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Giai đoạn sau năm 1975 là thời kỳ có nhiều thay đổi lớn về hành chính. Năm 1976, tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên (cùng khu vực Vĩnh Linh). Thành phố Huế trở thành tỉnh lị. Đây là bước đi thể hiện chủ trương thống nhất và quản lý tập trung lãnh thổ sau chiến tranh. Tuy nhiên, mô hình tỉnh lớn đã gặp nhiều khó khăn về quản lý địa phương do đặc điểm văn hóa – xã hội khác biệt giữa các vùng.
Chính vì vậy, ngày 30/6/1989, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII, tỉnh Bình Trị Thiên được tách trở lại thành ba tỉnh cũ. Thừa Thiên - Huế lúc này bao gồm thành phố Huế và các huyện Hương Phú, Hương Điền, Phú Lộc và A Lưới.
Từ đó đến nay, Huế tiếp tục phát triển trên cơ sở kế thừa lịch sử và điều chỉnh hành chính phù hợp. Mỗi lần sáp nhập hoặc phân chia đều để lại dấu ấn rõ nét trong cấu trúc tổ chức hành chính, đồng thời góp phần định hình chính sách phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.