Tỷ giá Yên Nhật ngày 7/4: Điều chỉnh trước thềm báo cáo tăng trưởng lương tháng 2
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay (7/4) ổn định trong nước, trong khi USD/JPY quốc tế giảm mạnh trước thềm công bố dữ liệu tăng trưởng lương tháng 2 tại Nhật.
Tỷ giá Yên Nhật tại các ngân hàng trong nước
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay không ghi nhận bất kỳ thay đổi nào so với ngày giao dịch trước.
Cụ thể, VietBank tiếp tục giữ vị trí ngân hàng mua tiền mặt Yên Nhật cao nhất với mức 173,63 VND/JPY, trong khi VietinBank vẫn dẫn đầu về mua chuyển khoản với 179,40 VND/JPY. Ở chiều bán ra, PVcomBank không thay đổi mức giá bán tiền mặt cao nhất là 185,00 VND/JPY, còn SCB tiếp tục là ngân hàng có mức bán chuyển khoản cao nhất: 182,20 VND/JPY.

Ở chiều ngược lại, PVcomBank cũng là ngân hàng có giá mua vào thấp nhất, lần lượt là 164,00 đồng cho tiền mặt và 165,00 đồng cho chuyển khoản. Ngân hàng Indovina và OCB duy trì giá bán thấp nhất theo hình thức tiền mặt (172,50 VND/JPY) và chuyển khoản (174,21 VND/JPY).
Tỷ giá Yên Nhật trên thị trường quốc tế
Trên thế giới, tỷ giá USD/JPY sáng nay giảm 0,87% xuống mức 145,59, tương đương 1 USD đổi được 145,59 Yên Nhật.
Tâm điểm của thị trường tuần này hướng về Nhật Bản, khi dữ liệu tăng trưởng lương tháng 2 sẽ được công bố vào hôm nay 7/4. Báo cáo được kỳ vọng sẽ có tác động đáng kể đến tỷ giá USD/JPY và triển vọng điều hành chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Các nhà kinh tế dự báo mức thu nhập tiền mặt trung bình của người lao động Nhật sẽ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,8% ghi nhận trong tháng 1.
Nếu dữ liệu thực tế vượt kỳ vọng, đây có thể là tín hiệu cho thấy sức mua của người tiêu dùng đang cải thiện, kéo theo khả năng thúc đẩy lạm phát do cầu kéo. Trong bối cảnh BoJ đang tìm kiếm bằng chứng thuyết phục để chuyển hướng chính sách, một triển vọng lạm phát cao hơn hoàn toàn có thể củng cố kỳ vọng về đợt nâng lãi suất ngay trong nửa đầu năm 2025.
Tuy nhiên, nếu tăng trưởng tiền lương yếu hơn dự báo, thị trường có thể phải điều chỉnh lại kỳ vọng. Tăng trưởng thu nhập chậm có thể là dấu hiệu cho thấy chi tiêu hộ gia đình và áp lực lạm phát vẫn còn hạn chế. Trong trường hợp này, các dự đoán về việc BoJ nâng lãi suất trong tháng 5 hoặc tháng 6 có thể tạm lắng xuống.
BoJ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lương là yếu tố cốt lõi để xác lập một chu kỳ lạm phát bền vững. Tuy vậy, chỉ riêng việc lương tăng là chưa đủ. BoJ cần thấy sự chuyển hóa của thu nhập cao hơn thành chi tiêu thực tế để đảm bảo lạm phát có thể duy trì ổn định quanh mục tiêu 2%. Trong bối cảnh đó, các yếu tố ngoại cảnh như chính sách thuế của Mỹ và căng thẳng thương mại leo thang có thể gây ra lực cản lớn. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường lao động Nhật Bản mà còn tác động tới tâm lý tiêu dùng và hành vi chi tiêu.
Trước thềm các chính sách thuế mới từ Mỹ, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda đã cảnh báo rằng ảnh hưởng từ thuế quan của Mỹ đối với kinh tế toàn cầu vẫn là điều không chắc chắn. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng nếu các biện pháp thuế được áp dụng trên diện rộng với quy mô lớn, tác động đến hoạt động thương mại của từng quốc gia sẽ rất đáng kể.
Diễn biến này cũng đang chi phối mạnh đến xu hướng của cặp tỷ giá USD/JPY. Trong kịch bản đồng Yên mạnh lên, nếu chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang, tâm lý ngại rủi ro trở lại hoặc BoJ phát tín hiệu “diều hâu” rõ ràng hơn, USD/JPY có thể giảm sâu về vùng hỗ trợ 140,309. Ngược lại, nếu căng thẳng thương mại được xoa dịu, tâm lý thị trường tích cực và BoJ tiếp tục giữ lập trường thận trọng, tỷ giá có thể hướng về vùng kháng cự 149,358.