Nhịp đập thị trường

Một cổ phiếu từng dính thao túng vừa nhận án hủy niêm yết bắt buộc

Nguyên Nam 05/04/2025 09:45

Cổ phiếu AGM của Xuất nhập khẩu An Giang bị HOSE hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế 426 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 244 tỷ đồng. Từng là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, cổ phiếu được quan tâm, tuy nhiên hiện thị giá AGM đã mất tới 96% giá trị so với đỉnh lịch sử.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa chính thức thông báo hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Quyết định được đưa ra dựa trên kết quả báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, cho thấy doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ ròng gần 260 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 426 tỷ đồng – vượt quá vốn điều lệ thực góp là 182 tỷ đồng.

agm23.jpg
Angimex từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại Việt Nam

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2024, vốn chủ sở hữu của Angimex đã âm gần 244 tỷ đồng. Đây là căn cứ quan trọng để HOSE thực hiện hủy niêm yết AGM theo quy định về chứng khoán niêm yết.

Cổ phiếu AGM giảm sàn 3 phiên liên tiếp, mất hơn 96% so với đỉnh lịch sử
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGM hiện đang trong diện cảnh báo và kiểm soát. Giao dịch cổ phiếu này tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mất sàn liên tiếp trong ba phiên từ ngày 2 đến 4/4/2025, chỉ còn 2.260 đồng/cổ phiếu – tương đương mất hơn một nửa giá trị so với vùng đỉnh gần nhất khoảng 5.000 đồng hồi tháng 9/2024.

So với mức đỉnh lịch sử hơn 62.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 3/2022, cổ phiếu AGM đã “bốc hơi” hơn 96%, phản ánh rõ nét sự suy yếu kéo dài trong hoạt động kinh doanh và niềm tin thị trường.

Báo cáo kiểm toán nêu rõ lo ngại về khả năng hoạt động liên tục
Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Angimex cho thấy mức lỗ ròng gần 260 tỷ đồng – tăng nhẹ 3% so với số liệu trước kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu do khoản dự phòng hàng tồn kho tăng, giá vốn điều chỉnh và những thay đổi từ báo cáo tài chính của các công ty con và liên kết.

Doanh thu cả năm 2024 chỉ đạt khoảng 241 tỷ đồng, giảm mạnh 69% so với năm trước. Lãnh đạo công ty cho biết nguyên nhân là do đã thoái vốn khỏi một số công ty con, dẫn đến doanh thu không còn được hợp nhất, đồng thời doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn lưu động và phải tăng dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Kiểm toán viên cũng đưa ra loạt lưu ý quan trọng trong báo cáo kiểm toán, tập trung vào các khoản phải thu khó đòi và giao dịch với bên liên quan. Đáng lo ngại, tổng nợ ngắn hạn của công ty đang vượt quá tài sản ngắn hạn tới 1.072 tỷ đồng – đặt dấu hỏi lớn về tính thanh khoản và khả năng thanh toán của doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Theo nhận định từ kiểm toán, các yếu tố trên cho thấy có sự không chắc chắn trọng yếu liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của Angimex.

agm2.jpg
Doanh thu cả năm 2024 chỉ đạt khoảng 241 tỷ đồng, giảm mạnh 69% so với năm trước

AGM nói gì trước nguy cơ hủy niêm yết?

Phía công ty đã có văn bản giải trình, cho biết đã và đang triển khai các biện pháp tài chính như thanh lý tài sản, thoái vốn tại công ty con, đồng thời lên kế hoạch huy động vốn và xử lý các khoản nợ trái phiếu. Angimex kỳ vọng những nỗ lực này sẽ giúp từng bước cải thiện dòng tiền, khắc phục thua lỗ và tiếp tục duy trì hoạt động trong thời gian tới.

Angimex từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tại Việt Nam, với doanh thu thường niên vượt 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2017–2021. Đặc biệt, năm 2021 ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 3.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2022, tình hình tài chính của công ty nhanh chóng suy yếu, đặc biệt sau sự rút lui của nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holdings và việc ông Đỗ Thành Nhân – cựu Chủ tịch HĐQT bị truy tố vì thao túng thị trường chứng khoán.

Đến nay, AGM không chỉ đánh mất vị thế trong ngành mà còn đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, dẫn đến quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ HOSE – một hồi chuông cảnh báo cho những doanh nghiệp từng "đình đám" nhưng quản trị kém bền vững.

Nguyên Nam