Nhịp đập thị trường

Điểm mặt những công thần vừa giúp VN-Index gỡ điểm, một mã ngân hàng đáng chú ý

Nguyên Nam 04/04/2025 16:46

VN-Index giảm 19 điểm nhưng vẫn giữ mốc 1.200 nhờ lực bắt đáy mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ như VIC, VHM, LPB. Thanh khoản đạt gần 40.000 tỷ đồng, thiết lập kỷ lục mới. Chuyên gia kỳ vọng thị trường sớm phục hồi nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại.

Phiên giao dịch ngày 4/4 khép lại với một kết quả tích cực hơn kỳ vọng, khi VN-Index chỉ còn giảm 19 điểm, tương đương 1,56%, dừng tại 1.210,67 điểm. Con số này tạo ít nhiều tạo cảm giác "yên tâm" cho nhà đầu tư bởi ngay đầu phiên, chỉ số chính đã lao dốc tới hơn 70 điểm, làm dấy lên lo ngại về kịch bản tiêu cực tiếp diễn sau phiên giảm sâu lịch sử ngày 3/4.

chungkhoanhomnay.jpg
Dù VN-Index giảm điểm, nhà đầu tư vẫn phần nào cảm thấy yên tâm

Tuy nhiên, diễn biến trong phiên cho thấy dòng tiền bắt đáy đã hoạt động mạnh mẽ hơn, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu trụ, giúp thị trường đảo chiều và thu hẹp đáng kể đà giảm. Nhiều cổ phiếu lớn quay đầu tăng điểm, nâng đỡ chỉ số và góp phần ổn định tâm lý chung.

Thanh khoản tiếp tục lập đỉnh khi gần 2 tỷ cổ phiếu được sang tay trên sàn HoSE, tổng giá trị khớp lệnh lên tới gần 40.000 tỷ đồng – cho thấy lực cầu đã quay trở lại rõ nét.

Nhóm cổ phiếu trụ “ra tay” đỡ thị trường

Trong rổ VN30, kết phiên có 9 mã tăng giá, trong đó một mã tăng trần. Đáng chú ý, bộ đôi VIC và VHM của Tập đoàn Vingroup lần lượt tăng 3,7% và 2%, đóng góp hơn 3 điểm cho chỉ số chung. Cổ phiếu LPB cũng bất ngờ tăng kịch trần, đóng góp gần 1,6 điểm – trở thành điểm sáng trong nhóm ngân hàng.

Ngoài ra, một số mã khác như STB, SHB cũng tăng điểm và đóng góp tích cực cho thị trường. VNM – cổ phiếu ngành tiêu dùng lớn – ghi nhận mức tăng tốt và góp hơn 1 điểm vào chỉ số VN-Index.

Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn tiếp tục tạo áp lực lên thị trường, đặc biệt là GVR và BCM giảm hết biên độ. Các mã GAS, MSN, HPG giảm trên 3%, trở thành những lực cản lớn đối với xu hướng phục hồi.

cophieu.jpg
Top cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số chung VN-Index

Điểm trừ đáng chú ý trong phiên là giao dịch của khối ngoại. Sau khi bán ròng kỷ lục hơn 3.700 tỷ đồng trong phiên 3/4, khối này tiếp tục bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng trong ngày 4/4, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng.

Mặc dù áp lực bán vẫn hiện diện, nhưng việc thị trường thu hẹp đà giảm đáng kể cho thấy sức mua nội địa đã bước đầu “hấp thụ” được phần nào lực xả, đồng thời phản ánh kỳ vọng không ít nhà đầu tư tin tưởng vào vùng hỗ trợ quanh mốc 1.200 điểm.

Tâm lý được giải tỏa, kỳ vọng hồi phục dần hình thành

Dù chưa thể khẳng định thị trường đã tạo đáy, nhưng việc chỉ số chính giữ được vùng hỗ trợ quan trọng và thu hẹp đà giảm là tín hiệu tích cực trong ngắn hạn, nhất là sau cú sốc thông tin về việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, thông tin Mỹ áp thuế cao tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trên TTCK trong ngắn hạn là điều dễ hiểu, nhưng NĐT không nên hoảng loạn và bán tháo, bởi thuế suất cao dù gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, có nhiều ngành ít bị ảnh hưởng và có triển vọng tốt, như: bán lẻ, công nghệ, ngân hàng, tiêu dùng nội địa… có thể là lựa chọn an toàn hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi các động thái từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến công tác đến New York vào cuối tuần này.

“Nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, thị trường sẽ sớm phục hồi”, ông Ngọc nói.

Bên cạnh những yếu tố trên, ông Ngọc đánh giá TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ mang tính dài hạn như kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Hơn nữa thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX.

Nguyên Nam