Nhịp đập thị trường

Xuất hiện dòng tiền bắt đáy, VN-Index đứng trước cơ hội đảo chiều

Nguyên Nam 04/04/2025 12:31

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh sáng 4/4, VN-Index mất gần 48 điểm xuống 1.182 điểm với hơn 130 mã giảm sàn trên HoSE. Thanh khoản đạt 27.105 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép tiếp tục chịu áp lực lớn, dù một số cổ phiếu như VIC, SSB, VNM đã hồi phục nhẹ.

Sau cú giảm mạnh trong phiên 3/4, thị trường chứng khoán tiếp tục đón nhận áp lực bán trong phiên sáng ngày 4/4. VN-Index giảm sâu 47,77 điểm, tương đương 3,88%, lùi về mức 1.182,07 điểm – đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp với biên độ lớn. Sắc đỏ tiếp tục phủ rộng toàn sàn, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa ổn định sau thông tin tiêu cực về chính sách thuế của Mỹ.

chungkhoanphiensang2.jpg
Diễn biến các chỉ số chính thị trường tạm dừng phiên sáng 4/4

Trên sàn HOSE, chỉ có 68 mã tăng giá trong khi có tới 424 mã giảm, trong đó 131 mã giảm hết biên độ. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,28 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng hơn 27.105 tỷ đồng – giảm 10,5% về khối lượng và 12,2% về giá trị so với cùng thời điểm phiên sáng hôm trước. Giao dịch thỏa thuận ghi nhận hơn 41,1 triệu cổ phiếu, giá trị xấp xỉ 1.217 tỷ đồng.

Nhóm VN30 hồi nhẹ nhưng thị trường chung vẫn chịu áp lực lớn
Trong nhóm VN30, mức độ tiêu cực có phần giảm nhẹ so với phiên trước khi chỉ còn 3 mã giảm sàn là BCM, PLX và GVR. Ở chiều ngược lại, có 5 mã ghi nhận sắc xanh trở lại, gồm SSB và VIC cùng tăng 2,1%, VNM tăng 1,4%, trong khi VHM và LPB nhích nhẹ.

Đáng chú ý, VIC đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho thị trường chung, đóng góp gần 1,3 điểm cho VN-Index. Tuy vậy, lực kéo này không đủ bù đắp ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm ngân hàng. Cụ thể, bộ ba cổ phiếu lớn gồm VCB, CTG và BID đã kéo chỉ số giảm gần 11,5 điểm, khiến thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ.

chungkhoanphiensang3.jpg
Nguồn: Fitrade

Cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn chịu áp lực

Phần lớn các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục ghi nhận đà giảm mạnh, nhiều mã chưa thể thoát khỏi tình trạng giảm sàn. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận một vài điểm sáng như FCM và YBM tăng trần, CMV tăng sát mức trần.

Về nhóm ngành, các lĩnh vực chính như ngân hàng, chứng khoán, thép và bất động sản đều chịu sức ép điều chỉnh mạnh, dù có dấu hiệu lực cầu bắt đáy quay trở lại. Cổ phiếu SHB tiếp tục dẫn đầu về thanh khoản với gần 92,5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 3,4%. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng mạnh SHB với hơn 13 triệu cổ phiếu.

Các mã có giao dịch sôi động khác như SSI, HPG, MBB đều có thanh khoản vượt 50 triệu đơn vị nhưng vẫn giảm sâu trong khoảng 4,4 – 6,7%. Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán khác như VIX, TCB, TPB, ACB, VND, VPB, STB… cũng duy trì thanh khoản cao nhưng chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng.

HNX tiếp tục giảm mạnh, SRA và FID gây bất ngờ

Sàn HNX cũng ghi nhận phiên giảm điểm mạnh thứ hai liên tiếp. HNX-Index mất 10,25 điểm, tương đương 4,64%, lùi về mốc 210,69 điểm. Số mã giảm lên tới 148 mã, áp đảo so với chỉ 52 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 90 triệu đơn vị, giá trị tương ứng hơn 1.275 tỷ đồng.

SHS là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất với 17,1 triệu đơn vị, kết phiên giảm 5,2% về mức 12.800 đồng/cp. Các cổ phiếu giao dịch mạnh khác như CEO, PVS, MBS và TIG cũng đồng loạt giảm từ 5 – 9%, trong đó TIG giảm sàn.

Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận hiện tượng “ngược dòng” ở một vài cổ phiếu nhỏ như SRA và FID – cả hai đều tăng kịch trần, với SRA ghi nhận dư mua trần hơn 2,65 triệu cổ phiếu.

UPCoM hạ độ rơi nhờ lực cầu cải thiện cuối phiên

Trên UPCoM, thị trường giảm nhẹ hơn so với hai sàn niêm yết chính. UPCoM-Index mất 1,05 điểm, tương đương 1,15%, chốt phiên sáng tại 89,53 điểm. Toàn sàn có 83 mã tăng, 267 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,5 triệu cổ phiếu, giá trị gần 594,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận bổ sung thêm 3,62 triệu cổ phiếu, giá trị 27,5 tỷ đồng.

HNG trở thành điểm sáng hiếm hoi khi tăng 3,3% lên 6.200 đồng/cổ phiếu, đồng thời dẫn đầu về thanh khoản toàn sàn với gần 8,85 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Nguyên Nam