Từ vụ bé gái 3 tuổi ở Hải Phòng bị người lạ dắt đi: Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con an toàn?

Thu Thủy 14/01/2025 21:35

Sự việc bé gái 3 tuổi bị người lạ dẫn khỏi trường mầm non ở Hải Phòng khiến dư luận xôn xao, nhiều phụ huynh rơi vào trạng thái lo lắng, bất an. Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để cha mẹ có thể bảo vệ con an toàn trong bối cảnh ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ?

Một phút lơ là, cơ hội cho người lạ

Ngày 14-1, cơ quan chức năng TP Hải Phòng xác nhận đã tìm thấy cháu bé 3 tuổi bị mất tích tại Trường mầm non Thiên Hương, TP Thủy Nguyên. Trước đó, ngày 13-1, chị N.T.H đến đón con gái N.T.M thì được thông báo cháu đã được một cô gái trẻ đón về.

Hình ảnh bé gái 3 tuổi bị người lạ dễ dàng dẫn khỏi trường mần non

Ngay sau khi nhận tin, Công an TP Hải Phòng phối hợp các đơn vị truy vết nhanh chóng. Qua camera giám sát, xác định đối tượng Đồng Thị Hà T. (sinh năm 2007) - người có tiền sử thần kinh không ổn định, đã đưa cháu bé ra khỏi trường, thuê taxi vào trung tâm thành phố. Đến 15h15 ngày 14-1, đối tượng và cháu bé được tìm thấy tại khu vực chợ Ga (quận Ngô Quyền).

Được biết sau sự việc này Trường Mầm non Thiên Hương đã tạm đình chỉ công tác hai giáo viên. Theo báo cáo của Trường Mầm non Thiên Hương, gia đình cháu bé thường thuê bà H. (trú phường Thiên Hương, TP Thủy Nguyên) đón cháu sau giờ học. Khi bận, bà H. nhờ chồng hoặc con trai thay mình đến đón, và ban đầu, cô giáo đều yêu cầu xác nhận từ gia đình trước khi giao cháu.

Ngày 13/1, con trai bà H. đến trường thì được thông báo đã có người khác đón cháu. Người này gọi cho bà H. để xác nhận và được bà trả lời chưa đón cháu. Tuy nhiên, bà H. không báo lại ngay cho cô giáo mà nhắn tin hỏi mẹ cháu. Đến 17h, mẹ cháu nhắn tin hỏi cô giáo ai đã đón con thì được thông báo một phụ nữ đeo kính cận đã đón. Gia đình kiểm tra và xác nhận không ai trong nhà đón cháu.

Khoảng 17h35, cô giáo Lã Thị Thu Huyền báo cáo sự việc lên hiệu trưởng. Sau đó, gia đình và nhà trường đã trình báo công an và chính quyền địa phương để xử lý.

Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh: chỉ cần một phút lơ là, con trẻ có thể gặp nguy hiểm.

Cần làm gì để bảo vệ con trước nguy cơ bắt cóc?

Theo chuyên gia tâm lý việc giáo dục trẻ kỹ năng phòng, tránh bắt cóc là vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên bắt đầu bằng việc trò chuyện với trẻ về các vụ việc thực tế, hướng dẫn cách xử lý nếu rơi vào tình huống nguy hiểm.

Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con an toàn?

Dưới đây là một số biện pháp cha mẹ có thể áp dụng để bảo vệ con em mình:

1. Dạy trẻ không nói chuyện hoặc nhận quà từ người lạ

Kẻ xấu thường lợi dụng sự ngây thơ của trẻ bằng cách tiếp cận, trò chuyện hoặc tặng quà để tạo lòng tin. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ:

- Không bắt chuyện với người lạ: Giải thích cho trẻ hiểu rằng không nên nói chuyện hoặc tiết lộ thông tin cá nhân cho người mà trẻ không quen biết.

- Từ chối nhận quà: Dạy trẻ kiên quyết từ chối mọi món quà, đồ chơi, bánh kẹo từ người lạ, dù họ có vẻ thân thiện.

2. Thiết lập quy tắc an toàn gia đình

Việc thiết lập các quy tắc an toàn giúp trẻ nhận biết và phản ứng kịp thời trong các tình huống nguy hiểm:

- Mật mã gia đình: Tạo một mật mã bí mật chỉ gia đình biết. Nếu có người lạ đến đón trẻ và không biết mật mã, trẻ sẽ biết đó không phải là người được cha mẹ ủy quyền.

- Thông tin liên lạc: Dạy trẻ ghi nhớ tên đầy đủ của cha mẹ, số điện thoại và địa chỉ nhà để có thể nhờ người lớn giúp đỡ khi cần.

3. Hướng dẫn trẻ cách phản ứng khi bị đe dọa

Trong trường hợp bị người lạ tiếp cận hoặc cố gắng bắt cóc, trẻ cần biết cách phản ứng để thu hút sự chú ý và tìm kiếm sự giúp đỡ:

- Kêu cứu: Dạy trẻ hét lớn những câu như "Cháu không quen người này!", "Cứu cháu với!" để thu hút sự chú ý của người xung quanh.

- Chạy đến nơi an toàn: Hướng dẫn trẻ tìm đến những nơi đông người, cửa hàng, hoặc gặp nhân viên an ninh, cảnh sát để được bảo vệ.

4. Giám sát và giáo dục liên tục

Cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở và giáo dục trẻ về các nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời:

- Giám sát chặt chẽ: Không để trẻ chơi một mình ở nơi công cộng hoặc rời khỏi tầm mắt của người lớn.

- Thực hành tình huống giả định: Tổ chức các buổi diễn tập tình huống để trẻ biết cách xử lý khi gặp nguy hiểm.

Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng trên không chỉ giúp các em tự bảo vệ mình mà còn giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bắt cóc. Cha mẹ cần kiên trì và thường xuyên ôn luyện để trẻ luôn ghi nhớ và áp dụng khi cần thiết.

Vinmec “ghi bàn vàng” khi phẫu thuật thành công cho người hùng AFF Cup Nguyễn Xuân Son

Trong thời điểm mọi sự chú ý đổ dồn về AFF Cup 2024, việc Bệnh viện Vinmec hỗ trợ phẫu thuật và điều trị miễn ...

6 dấu hiệu viêm thận nguy hiểm bạn nhất định phải kiểm tra ngay

Viêm thận là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể nếu không được phát hiện và điều trị ...

Dấu hiệu trên môi cảnh báo bệnh nguy hiểm về tim mạch

Đôi môi tím tái không chỉ là dấu hiệu thiếu oxy tạm thời mà còn có thể cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng về ...

Thu Thủy