Thuế đối ứng là gì? Tác động các bên liên quan như thế nào?
Thuế đối ứng là gì và những tác động của loại thuế này với doanh nghiệp, người tiêu dùng và quan hệ quốc tế ra sao?
Ngày 2/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump ký lệnh hành pháp công bố các mức thuế quan đối ứng với mọi quốc gia, gọi đây là “tuyên bố độc lập kinh tế” của nước Mỹ.

Thuế đối ứng là gì?
Hiện nay, quy định pháp luật chưa có quy định định nghĩa cụ thể về thuế đối ứng. Tuy nhiên, thuế đối ứng có thể hiểu là một loại thuế mang tính "có đi có lại", được một quốc gia áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác để đáp trả hoặc cân bằng lại chính sách thuế, trợ cấp hoặc các biện pháp thương mại không công bằng từ một quốc gia khác.
Thuế đối ứng cũng có mục đích bảo vệ nền kinh tế trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu của các nước khác, khi các sản phẩm này được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu, gây ra sự cạnh tranh không công bằng và làm tổn hại đến ngành sản xuất nội địa của nước đó.
Những tác động của thuế đối ứng
Thuế đối ứng, xét trên phạm vi rộng, có thể tạo ra tác động sâu sắc đến cả nền kinh tế vĩ mô lẫn vi mô. Trước hết, nó được xem là “lá chắn” nhằm bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu, nhất là những sản phẩm được trợ giá mạnh từ chính phủ nước ngoài. Khi hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn do bị áp thuế cao, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sản phẩm nội địa, từ đó kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước và khuyến khích doanh nghiệp nội địa cải tiến chất lượng, gia tăng sản lượng.
Tuy nhiên, mặt trái của thuế đối ứng cũng rất rõ ràng. Giá hàng nhập khẩu tăng kéo theo chi phí tiêu dùng cao hơn, khiến người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng”. Không chỉ vậy, hành động áp thuế đối ứng có thể kích hoạt vòng xoáy trả đũa giữa các quốc gia, dẫn đến chiến tranh thương mại kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước nếu bị nước khác áp thuế trả đũa sẽ chịu tổn thất lớn về doanh thu và thị phần quốc tế.
Về mặt tài chính, chính phủ có thể thu thêm ngân sách từ nguồn thuế mới, song hiệu quả này có thể không bền vững nếu chiến tranh thương mại leo thang. Đồng thời, căng thẳng thương mại do thuế đối ứng còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao và làm gián đoạn các thỏa thuận kinh tế đa phương.