Thù lao lãnh đạo các ‘ông lớn’ bất động sản: Người tăng gấp 5 lần, người ‘làm vì đam mê’
Sau báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, thù lao lãnh đạo tại các ‘ông lớn’ bất động sản lộ diện với mức chênh lệch đáng kể: người tăng gấp 5 lần, người chỉ nhận vài trăm triệu, thậm chí có người không nhận đồng nào.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, Công ty CP Vinhomes (VHM) đã chi 17,1 tỷ đồng để trả thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị, tăng nhẹ so với mức 16,7 tỷ đồng năm trước. Tuy nhiên, trong danh sách nhận thù lao lãnh đạo không có tên tỷ phú Phạm Nhật Vượng – người giữ vai trò Thành viên HĐQT của Vinhomes và là Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, công ty mẹ của Vinhomes – tiếp tục duy trì truyền thống “làm không lương” tại nhiều công ty thành viên.

Người nhận mức thù lao cao nhất tại Vinhomes là ông Phạm Thiếu Hoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị – với 6,85 tỷ đồng. Bà Nguyễn Diệu Linh, thành viên HĐQT, cũng được chi trả gần 3,14 tỷ đồng. Hai thành viên độc lập người nước ngoài là ông Varun Kapur và ông Mueen Uddeen mỗi người nhận 1,44 tỷ đồng.
Đặc biệt, tổng chi phí cho ban Tổng giám đốc của Vinhomes giảm gần 40% so với năm trước, còn 47,47 tỷ đồng. Tuy nhiên, riêng bà Nguyễn Thu Hằng – Tổng giám đốc – lại có mức tăng thu nhập đáng kể, nhận về 17,81 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. Điều này cho thấy có sự tái cấu trúc mạnh mẽ trong bộ máy điều hành, hướng đến tinh gọn nhưng vẫn giữ đãi ngộ cao cho nhân sự chủ chốt.
Tại Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG), tổng chi thù lao lãnh đạo tăng từ 32,7 tỷ đồng lên 38,6 tỷ đồng trong năm 2024. Mức tăng này chủ yếu đến từ việc bổ nhiệm ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh – một lãnh đạo ngoại quốc – làm Tổng giám đốc từ cuối tháng 3/2024. Trong chưa đầy một năm công tác, ông Lucas đã nhận gần 12 tỷ đồng thù lao – mức chi cho thấy kỳ vọng rất lớn của Nam Long dành cho CEO mới trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
Một bức tranh trái ngược được ghi nhận tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG). Ông Nguyễn Bá Sáng – Chủ tịch HĐQT – ghi nhận mức thù lao gần 2,3 tỷ đồng trong năm 2024, tăng vọt gần 4,3 lần so với năm trước. Các lãnh đạo điều hành khác cũng có thu nhập tăng đáng kể, phần nào phản ánh kết quả kinh doanh được cải thiện sau giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, không phải ai trong hội đồng quản trị cũng được “tăng lương”. Ba thành viên gồm ông Đỗ Lê Hùng, ông Vũ Quang Thịnh và ông Đào Thái Phúc chỉ nhận lần lượt 388,8 triệu đồng, 250 triệu đồng và 250 triệu đồng – thấp hơn đáng kể so với mức 533 triệu đồng/người mà họ từng được nhận trong năm 2023. Điều này đặt ra câu hỏi về mức độ đóng góp, cũng như cơ chế thưởng – phạt rõ ràng trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp.
Tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - NVL), xu hướng tăng thu nhập cho lãnh đạo cũng được ghi nhận. Ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT – nhận mức thù lao 1,2 tỷ đồng trong năm 2024, nhỉnh hơn 100 triệu đồng so với năm trước. Ông Hoàng Đức Hùng – thành viên HĐQT độc lập – tăng thù lao gấp 2,8 lần, lên 600 triệu đồng.
Đặc biệt, ông Dennis Ng Teck Yow – thành viên HĐQT – dù chỉ nhận thù lao 200 triệu đồng nhưng lại được chi trả tới gần 4,3 tỷ đồng cho vai trò Tổng giám đốc đến tháng 11/2024. Người kế nhiệm ông – ông Dương Văn Bắc – đã nhận 678 triệu đồng sau 2 tháng đầu nhiệm kỳ, bên cạnh khoản gần 2,6 tỷ đồng trước đó khi còn giữ chức Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính.
Mức chi trả linh hoạt, theo vai trò và thời gian thực tế làm việc, phản ánh nỗ lực quản trị minh bạch và định hướng gắn lương với trách nhiệm cụ thể.
Ở Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – DIG), ông Nguyễn Hùng Cường – người được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT từ tháng 8/2024 – nhận gần 2 tỷ đồng tiền thù lao trong năm. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Chủ tịch – cũng được chi trả 1,5 tỷ đồng, tăng thêm 200 triệu đồng so với năm trước.
Tổng giám đốc Nguyễn Quang Tín nhận tổng cộng gần 1,9 tỷ đồng lương, thưởng và các khoản phúc lợi – tăng nhẹ 220 triệu đồng so với năm 2023.