Rời xa khí đốt Nga, châu Âu "mất ăn mất ngủ" khi phải bước vào cuộc đua LNG ngàn tỷ đầy rủi ro
Rời xa nguồn cung truyền thống từ Nga, châu Âu bước vào cuộc chạy đua khí đốt chưa từng có. Với mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ trước ngày 1/11/2025, châu Âu có thể cần tới 250 chuyến LNG, chi hàng chục tỷ USD và chấp nhận “tranh giành” với thị trường châu Á.
Rút khỏi khí đốt Nga – châu Âu rơi vào thế khó
Sau cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cắt giảm mạnh phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đồng thời đặt mục tiêu tăng cường khả năng tự chủ bằng cách mở rộng lưu trữ và nhập khẩu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng).

Tuy nhiên, thực tế năm 2025 cho thấy bài toán thay thế nguồn cung Nga không hề đơn giản. Theo dữ liệu của Reuters, mức tồn trữ khí đốt của EU hiện chỉ còn 34% công suất, mức thấp nhất kể từ năm 2022.
Với mùa đông lạnh hơn và lượng gió thấp trong năm 2024, mức tiêu thụ tăng mạnh đã khiến các kho dự trữ cạn nhanh hơn dự kiến. Điều này buộc EU phải hành động nhanh chóng nếu không muốn tái diễn tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng.
Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, tất cả các địa điểm lưu trữ khí đốt tại EU phải đạt 90% công suất vào ngày 1/11/2025. Để đạt được mục tiêu này, khối này sẽ phải bơm ròng 57,7 tỷ m3 khí, tức là cần thêm khoảng 250 chuyến hàng LNG – theo ước tính của Công ty phân tích Kpler.
Dựa trên giá khí đốt chuẩn hiện tại là 41 euro/MWh, chi phí ước tính lên tới 10,3 tỷ euro, tương đương hơn 11 tỷ USD. Đây là con số khổng lồ, chưa kể các chi phí phát sinh liên quan đến logistics, lưu trữ và điều phối thị trường.
Cuộc cạnh tranh LNG toàn cầu: Không dễ tranh giành với châu Á
Vấn đề lớn nhất hiện nay là châu Âu không thể một mình chi phối thị trường LNG toàn cầu. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tăng cường dự trữ khi nhu cầu sưởi ấm và sản xuất tăng cao sau đại dịch.
Jason Feer, Giám đốc toàn cầu tại Poten & Partners, cảnh báo: “Châu Âu sẽ phải mua khá mạnh tay vào mùa xuân và mùa hè này nếu muốn kịp mục tiêu 90%. Nhưng họ sẽ phải trả giá cao vì sự cạnh tranh từ châu Á là cực kỳ khốc liệt.”
Kpler dự báo giá trung bình LNG từ tháng 4 đến tháng 10/2025 sẽ vào khoảng 13,17 USD/mbtu, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các hợp đồng mùa hè – vốn thường rẻ hơn – nay lại được giao dịch với giá cao hơn cả hợp đồng mùa đông 2026. Điều này khiến việc lưu trữ không còn hấp dẫn với các nhà giao dịch vì rủi ro thua lỗ cao.
Ủy ban châu Âu tính “nới lỏng” KPI vì lo ngại bất ổn thị trường
Trước tình hình căng thẳng, EU đang xem xét điều chỉnh mục tiêu lưu trữ. Một đề xuất mới nhất cho thấy thời hạn đạt mốc 90% có thể được kéo dài thêm 1 tháng – đến ngày 1/12/2025, nhằm giảm áp lực tài chính và điều tiết thị trường.
Trong một số trường hợp, EU cũng chấp thuận cho các quốc gia thành viên không bắt buộc phải đạt đúng tỷ lệ nếu chứng minh được lý do chính đáng, nhằm tránh tình trạng tăng giá do tranh mua quá đà.
Tuy nhiên, ngay cả khi nới mục tiêu xuống còn 76–78%, theo Kpler, EU vẫn sẽ cần khoảng 120 chuyến hàng LNG/năm – một con số không hề dễ dàng trong bối cảnh thị trường căng như dây đàn.
Chi phí cao, lợi nhuận thấp – ai sẽ chịu thiệt?
Một trong những nghịch lý lớn nhất hiện nay là việc bơm khí vào kho lưu trữ đang không còn mang lại lợi nhuận cho các nhà giao dịch năng lượng. Giá mua vào cao hơn giá bán ra trong mùa đông tới, khiến nhiều đơn vị thương mại năng lượng e ngại rót vốn vào thị trường châu Âu.
“Các công ty sẽ phải mua LNG đắt đỏ trong khi không chắc chắn có thể bán lại với giá cao vào mùa đông năm sau. Đây là rủi ro lớn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách còn nhiều thay đổi,” ông Feer nhận định.
Nếu không giải bài toán này, châu Âu có nguy cơ rơi vào chu kỳ khủng hoảng năng lượng lặp lại, khi phụ thuộc quá lớn vào LNG nhập khẩu, chi phí cao, và thị trường không ổn định.
Một số chuyên gia đề xuất EU nên:
Đa dạng hóa nguồn cung LNG từ Mỹ, Qatar, Nigeria…,
Đầu tư mạnh hơn vào năng lượng tái tạo để giảm áp lực cho hệ thống sưởi,
Tái đàm phán các hợp đồng dài hạn để tránh phụ thuộc vào thị trường giao ngay,