Chuyển động

Triết lý kinh doanh "không đặt kế hoạch để rồi bỏ ngỏ" của Vinaconex liệu có được "kế thừa" dưới thời Chủ tịch mới?

Đình Tư 02/04/2025 07:21

Sau tuyên bố cứng rắn của Chủ tịch HĐQT tại ĐHĐCĐ 2024, Vinaconex gần như đã giữ đúng lời hứa khi hầu hết các kế hoạch đề ra đều được thực hiện

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG). Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 21/4 tới, tại trụ sở công ty đặt tại tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.

vinaconex.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vinaconex

Theo nội dung trình cổ đông, ban lãnh đạo Vinaconex đánh giá năm 2025 sẽ tiếp tục là giai đoạn đan xen giữa cơ hội và thách thức. Công ty đặt mục tiêu duy trì sự ổn định và củng cố vị thế hàng đầu trong ngành xây dựng bằng một kế hoạch kinh doanh có tính tăng trưởng cao.

Cụ thể, Vinaconex đề ra kế hoạch đạt tổng doanh thu hợp nhất 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.200 tỷ đồng trong năm 2025, tương ứng mức tăng lần lượt 18% và 8% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Riêng tại công ty mẹ, doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự kiến lần lượt là 11.500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng, tăng 18% và 16% so với năm trước.

Chính sách cổ tức năm 2025 tiếp tục được giữ ổn định ở mức 16%, trong đó chia đều giữa tiền mặt và cổ phiếu. Tổng giá trị chi trả cổ tức là 957 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Vinaconex đạt gần 997 tỷ đồng, sau khi trừ đi phần chia cổ tức, công ty dự kiến còn lại khoảng 40 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Đáng chú ý, Vinaconex cũng dự kiến phát hành gần 47,89 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên khoảng 6.464,8 tỷ đồng.

Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 được đặt ra trong bối cảnh công ty đã ghi nhận một năm 2024 khởi sắc. Doanh thu thuần năm 2024 đạt 12.870 tỷ đồng, nhích nhẹ so với con số 12.704 tỷ đồng của năm 2023. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cải thiện rõ rệt từ 9,3% lên 15,4% đã giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 68%, đạt gần 1.981 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt 1.108 tỷ đồng, tăng mạnh 180% so với năm trước, đồng thời vượt 16,6% so với kế hoạch đề ra.

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, khi được hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh, ông Đào Ngọc Thanh (Chủ tịch HĐQT thời điểm đó) từng khẳng định: “Ban lãnh đạo đặt kế hoạch không phải để rồi không thực hiện. Một khi đã đặt ra thì phải bằng mọi cách để hoàn thành”.

Loạt dự án trọng điểm của Vinaconex

Theo tài liệu trình đại hội, trong năm 2024, Vinaconex ghi nhận tiến độ tích cực tại nhiều dự án đầu tư lớn trải dài từ Hà Nội, Quảng Ninh đến TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, dự án chung cư cao cấp Green Diamond (93 Láng Hạ) đã hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng, đánh dấu bước hiện diện của Vinaconex trong phân khúc bất động sản cao cấp. Bên cạnh đó, dự án Diamond Tower với quy mô 36.000 m² sàn văn phòng cũng đã hoàn tất cải tạo và đưa vào kinh doanh, hiện đang được thị trường hấp thụ tốt.

Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc tiếp tục được hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thu hút nhà đầu tư. Trong năm 2024, Vinaconex đã hoàn tất thủ tục cho nhà đầu tư BASS VN thuê lại đất tại khu vực này.

Dự án khu công nghiệp Đông Anh có quy mô gần 300 ha với tổng vốn khoảng 6.338 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận Vinaconex là nhà đầu tư thực hiện.

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), Vinaconex đã hoàn thiện hạ tầng khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để triển khai bán hàng trong năm 2024. Dự án Km3-Km4 Hải Yên cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh trong năm.

Dự án Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC) đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng với khối lượng thực hiện năm 2024 đạt khoảng 500 tỷ đồng, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường từ năm 2025.

Ngoài ra, Vinaconex đang triển khai các thủ tục đầu tư tại nhiều dự án khác như: tòa nhà văn phòng cho thuê tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Kim Văn – Kim Lũ (Hà Nội); khu đô thị Nam Cầu (Quảng Nam); các khu công nghiệp tại Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.

Đình Tư