Vàng - Tỷ giá

Giá vàng hôm nay 2/4/2025: Nhà vàng làm điều nay, người mua phải "đứng mũi chịu sào"

Phạm Hường 02/04/2025 05:00

Giá vàng tiếp tục tăng và lập kỷ lục mới nhưng chênh lệch mua - bán bị nới rộng, khiến rủi ro điều chỉnh giá dồn về phía người mua.

Giá vàng trong nước

Diễn biến giá vàng trong phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 4 cho thấy xu hướng tăng chưa thể chấm dứt. Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) được niêm yết ở mức 99,4 triệu đồng/lượng mua vào và 102,1 triệu đồng/lượng bán ra. So với phiên ngày 31/3, giá mua vào giảm 0,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá bán ra tăng 0,3 triệu đồng/lượng. Điều này khiến mức chênh lệch giữa hai chiều bị nới rộng từ 2,3 triệu lên 2,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay
Giá vàng hôm nay 2/4/2025

Tình trạng tương tự diễn ra tại các thương hiệu khác như DOJI, PNJ và Phú Quý. Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 99,4 triệu đồng/lượng mua vào và 102,1 triệu đồng/lượng bán ra. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra bị đẩy lên mốc 2,7 triệu đồng/lượng.
Xu hương tăng cũng đồng thời đối với dòng vàng nhẫn, vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng của DOJI niêm yết giá mua vào tăng mạnh lên 99,6 triệu đồng/lượng, giá bán ra đạt 102,1 triệu đồng/lượng, giãn biên độ chênh lệch giá mua và bán lên tới 2,5 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, hệ thống PNJ và Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý đều áp dụng mức giá mua vào 99,4 triệu đồng/lượng và bán ra 102,1 triệu đồng/lượng cho cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn, tương đương chênh lệch 2,7 triệu đồng/lượng. Còn tại Bảo Tín Minh Châu, vàng nhẫn thương hiệu Rồng Thăng Long được bán ra ở mức 102,3 triệu đồng/lượng, cao hơn 2,5 triệu so với giá mua vào là 99,8 triệu đồng/lượng.

Điều đáng lo ngại là mức chênh lệch này cao hơn so với mức 2,2 - 2,3 triệu đồng/lượng phổ biến trong ngày 31/3. Theo đánh giá của các chuyên gia, khi chênh lệch giá bị đẩy lên cao, rủi ro điều chỉnh giá ngược chiều sẽ hoàn toàn thuộc về phía người mua. Nếu thị trường vàng bất ngờ quay đầu giảm, nhà đầu tư sẽ dễ dàng chịu thiệt hại nặng nề.

Một số nhà phân tích thị trường cho rằng, việc nới rộng biên độ giá là động thái nhằm bảo vệ rủi ro cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trước biến động của giá vàng thế giới và tỷ giá. Tuy nhiên, về bản chất, đây là hành động đẩy phần lớn rủi ro về phía người tiêu dùng, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trong ngắn hạn.

Tổng hợp giá vàng trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 1/4/2025:

Thương hiệu
Loại vàng
Giá mua vào (triệu đồng/lượng)
Giá bán ra (triệu đồng/lượng)
Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)
Vàng miếng SJC
99,4
102,1
Vàng nhẫn SJC
99,2
101,5
Tập đoàn DOJI
Vàng miếng SJC
99,4
102,1
Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng)
99,6
102,1
Hệ thống PNJ
Vàng miếng SJC
99,4
102,1
Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9
99,4
102,1
Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý
Vàng miếng SJC
99,4
102,1
Vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9
99,4
102,1
Bảo Tín Minh Châu
Vàng miếng SJC
99,4
102,1
Vàng nhẫn thương hiệu Rồng Thăng Long
99,8
102,3

Giá vàng quốc tế

Thị trường vàng quốc tế khởi đầu tháng 4 trong sắc xanh khi giá kim loại quý này tiếp tục leo dốc, chạm mốc cao kỷ lục mới. Nguyên nhân chính đến từ tâm lý lo ngại của giới đầu tư trước nguy cơ lạm phát gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi các chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.

Cập nhật tại thời điểm lúc 3h45 ngày 2/4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 3.119,05 USD/ounce, tăng nhẹ 1,04 USD trong vòng 24 giờ qua, trước đó đã có thời điểm kim loại quý leo lên mức 3.148 USD/ounce. Trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và chính sách kinh tế khó lường, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển hướng sang các tài sản an toàn, trong đó vàng tiếp tục được ưa chuộng nhờ vai trò là “hầm trú ẩn” truyền thống.

Tâm lý phòng thủ này càng được củng cố khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh New York, ông John Williams, tuyên bố Fed có thể giữ nguyên lãi suất “trong một thời gian” để tiếp tục theo dõi các dữ liệu kinh tế sắp tới. Phát biểu này góp phần làm dịu kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tiền tệ sớm, nhưng lại hỗ trợ giá vàng nhờ niềm tin rằng Fed sẽ hành động thận trọng nếu kinh tế suy yếu.

Khép lại quý I/2025, giá vàng đã có màn thể hiện ấn tượng khi ghi nhận mức tăng quý mạnh nhất kể từ năm 1986 – một cột mốc đáng nhớ với thị trường kim loại quý. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sau mỗi đợt tăng “nóng”, vàng thường trải qua giai đoạn điều chỉnh. Đồng thời, lực cầu tích trữ từ các ngân hàng trung ương đang có dấu hiệu chững lại, dù năm ngoái họ đã mua ròng tới hơn 1.045 tấn vàng. Theo khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 71% các ngân hàng trung ương cho biết sẽ duy trì hoặc cắt giảm lượng vàng nắm giữ trong năm 2025.

Dự báo giá vàng

Dù nhiều yếu tố rủi ro vẫn hiện hữu, giới chuyên gia nhận định xu hướng tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc. Ông Max Layton – Giám đốc Toàn cầu bộ phận Nghiên cứu Hàng hóa tại Citigroup – cho rằng, các yếu tố nền tảng thúc đẩy đợt tăng giá này vẫn đang phát huy hiệu quả và có thể tiếp tục đẩy giá vàng lên các mức cao hơn.

“Theo kịch bản cơ bản của chúng tôi, vàng có thể chạm 3.200 USD/ounce trong vài tháng tới, và nếu kinh tế Mỹ suy yếu sâu hơn dự báo, mức 3.500 USD/ounce hoàn toàn khả thi”, ông Layton nhận định. Ông cũng lưu ý rằng chính sách thương mại cứng rắn từ phía Mỹ, nếu được thực thi, có thể là chất xúc tác khiến thị trường toàn cầu rơi vào bất ổn – tạo thêm động lực cho vàng tăng giá.

Lịch sử từng cho thấy, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, xu hướng tiết kiệm tăng lên, kéo theo dòng tiền chảy mạnh vào các quỹ ETF vàng. “Đó là một mắt xích quan trọng, và chúng tôi tin rằng lực cầu từ các quỹ này sẽ đẩy giá vàng lên một nấc mới trong 1-2 quý tới,” ông Layton nói thêm.

Chung quan điểm, bà Amy Gower – chiến lược gia hàng hóa tại Morgan Stanley – nhận định rằng đợt tăng giá kéo dài của vàng xuất phát từ sự thay đổi cấu trúc trong nhu cầu thực tế. Kể từ năm 2022, các ngân hàng trung ương đã liên tục đẩy mạnh mua vàng với tốc độ gấp đôi so với thập kỷ trước và xu hướng đó vẫn chưa dừng lại. Đồng thời, dòng tiền đầu tư vào vàng vật chất như vàng thỏi, vàng miếng và các quỹ ETF đang hồi sinh mạnh mẽ.

“Chúng tôi tin rằng đây là dòng vốn mới đang tiếp tục đổ vào thị trường và còn nhiều dư địa tăng giá,” bà Gower nói. Với kịch bản tích cực, bà dự đoán giá vàng có thể đạt mốc 3.300 – 3.400 USD/ounce trong năm nay.

Không chỉ dừng ở đó, Goldman Sachs thậm chí còn đưa ra dự báo táo bạo hơn: giá vàng có thể vượt 4.000 USD/ounce vào cuối năm 2025 nếu các yếu tố bất ổn tiếp tục gia tăng.

Phạm Hường