Tài chính cá nhân

Chỉ vì một hiểu lầm về thẻ tín dụng, bạn có thể “bay màu” cả triệu đồng mỗi tháng

Nguyễn Đăng 01/04/2025 17:28

Hiểu sai về ngày miễn lãi, hạn thanh toán hay khoản tối thiểu có thể khiến người dùng thẻ tín dụng mất tiền oan mỗi tháng vì lãi suất và phí phạt.

Thẻ tín dụng là công cụ chi tiêu quen thuộc của nhiều người hiện nay, cho phép “chi trước, trả sau” trong hạn mức do ngân hàng cấp. Tuy nhiên, việc sử dụng sai cách hoặc hiểu nhầm nguyên tắc hoạt động có thể khiến người dùng phải trả giá đắt.

thẻ tín dụng
Người dùng cần quản lý thẻ tín dụng thông minh để không mất tiền oan

Trước hết, cần phân biệt rõ thẻ tín dụng với các loại thẻ thanh toán khác. Không ít người vẫn nhầm lẫn gọi thẻ tín dụng là thẻ Visa, MasterCard hay JCB. Thực chất, đây chỉ là tên các tổ chức phát hành thẻ quốc tế. Còn loại thẻ mới là yếu tố quyết định cách hoạt động: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay thẻ trả trước – mỗi loại có nguyên tắc riêng. Trong đó, thẻ tín dụng cho phép chi tiêu vượt số dư tài khoản, nhưng phải hoàn trả đúng hạn.

Ngân hàng sẽ phát hành bảng sao kê thẻ mỗi tháng, thể hiện toàn bộ giao dịch và các khoản phải trả. Trong đó, ba thông tin đặc biệt quan trọng gồm: ngày sao kê, ngày đến hạn thanh toán và dư nợ cuối kỳ. Khoảng cách giữa ngày sao kê và hạn thanh toán chính là thời gian miễn lãi, thường từ 45 đến 55 ngày.

Vấn đề phát sinh khi người dùng hiểu sai về thời gian miễn lãi. Nhiều người cho rằng mọi giao dịch đều được miễn lãi tới 45 ngày tính từ lúc tiêu dùng. Trên thực tế, thời gian miễn lãi không tính từ ngày giao dịch, mà tính từ ngày lập sao kê gần nhất. Ví dụ, nếu ngày sao kê là 30 hằng tháng và thời gian miễn lãi là 45 ngày, thì hạn chót thanh toán là ngày 14 hoặc 15 của tháng sau, bất kể giao dịch diễn ra ngày 1 hay 29.

Thêm vào đó, người dùng thường nhầm giữa khoản thanh toán tối thiểu và dư nợ cuối kỳ. Khoản tối thiểu (thường 5–10% dư nợ) chỉ giúp tránh bị liệt vào nợ xấu, nhưng vẫn bị tính lãi trên phần chưa thanh toán. Nếu trả không đủ số này, ngân hàng còn tính thêm phí phạt trả chậm, có thể từ 4–8% trên số tiền tối thiểu, kèm mức phí tối thiểu cố định.

Ví dụ cụ thể: một người dùng thẻ có lãi suất 40%/năm, hạn mức miễn lãi 45 ngày, sao kê ngày 30 hàng tháng và khoản tối thiểu là 10% dư nợ. Trong tháng 4, họ tiêu 13 triệu đồng. Đến hạn 15/5, chỉ trả 1 triệu đồng – thấp hơn mức tối thiểu (1,3 triệu). Hệ quả là người này vừa bị tính lãi suất trên toàn bộ số dư trong kỳ, vừa bị phạt 150.000 đồng phí trả chậm. Cộng dồn đến cuối tháng 5, tổng lãi và phí phải trả là gần 915.000 đồng – tương đương 7% số tiền đã chi tiêu.

Ngoài lãi và phí phạt, người dùng còn có thể bị trừ tiền vì phí thường niên, phí bảo hiểm thẻ, hoặc phí thông báo số dư – nhiều trong số đó được mặc định đăng ký khi phát hành thẻ. Nếu không sử dụng, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng hủy để tránh mất tiền không cần thiết.

Rõ ràng, chỉ một vài hiểu lầm về cách sử dụng thẻ tín dụng có thể khiến người dùng “bay màu” tiền triệu mỗi tháng. Để tránh điều này, cần đọc kỹ bảng sao kê, hiểu rõ cơ chế miễn lãi, luôn trả đầy đủ dư nợ đúng hạn, không nhầm lẫn giữa các khoản phải trả và nên cài thanh toán tự động nếu có thể.

Thẻ tín dụng không xấu, thậm chí còn là công cụ tài chính hữu ích nếu sử dụng đúng cách. Nhưng nếu mơ hồ về nguyên tắc vận hành, người dùng dễ biến mình thành con nợ của chính chiếc thẻ mình đang sở hữu.

Nguyễn Đăng