Người phụ nữ cảm hóa hàng ngàn lính Mỹ bằng giọng nói mê hồn

Trang Nhi 27/04/2019 14:42

TBCKVN - Không nhiều người Việt biết đến bà, nhưng trong mắt bạn bè quốc tế, bà là một trong những nữ phát thanh viên nổi tiếng nhất thế giới. Còn với những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Đông Dương năm xưa, cho đến giờ, bà vẫn là một huyền thoại mà họ gọi bằng nhiều cái tên: “Mụ phù thủy”, “Nàng tiên cá” hay “Hannah Hà Nội”.

Người phụ nữ ấy có chất giọng êm ái, mượt mà như lụa nhưng những lời bà nói ra lại chẳng khác gì thứ ma thuật, khiến cho đám lính tóc vàng mắt xanh vừa tò mò lại vừa sợ hãi, vừa căm ghét vừa say mê và nhiều phần kính nể.

Xuất thân danh gia vọng tộc

“Nàng tiên cá” Hannah Hà Nội trong lòng các binh sĩ Mỹ kỳ thực tên thật là Trịnh Thị Ngọ. Bà sinh năm 1931 tại phố Hàng Bồ, trong gia đình tư sản thuộc hàng danh giá bậc nhất đất Kinh Kỳ thuở bấy giờ. Nói đến nhà họ Trịnh cũng là cả một câu chuyện ly kỳ và thú vị. Cha của bà Trịnh Thị Ngọ, cụ Trịnh Đình Kính, vốn là hậu duệ đời thứ 9 của Chúa Trịnh Căn. Cô tiểu thư Trịnh Thị Ngọ chào đời trong nhung lụa, lớn lên trong bạc vàng và gấm vóc. Như mọi gia đình tư sản Hà Nội thời ấy, ông Trịnh Đình Kính rất nghiêm khắc trong việc giữ gìn nề nếp gia phong và giáo dục con cái. Được thừa hưởng sự thông minh, tiệp mẫn từ cha, cô Ngọ học gì cũng nhanh và giỏi. Cô tinh thông từ cầm kỳ thi họa, nữ công gia chánh cho đến lịch sử, địa lý và cả ngoại ngữ. Bởi thế mà ông Trịnh Đình Kính yêu thương, cưng chiều con gái lắm.

Hanoi Hannah – người “chiến sĩ” đặc biệt với vũ khí là giọng nói (Ảnh tư liệu)

Trịnh Thị Ngọ tuy là tiểu thư khuê các nhưng có đầu óc tân tiến và tư tưởng hiện đại vô cùng. Ngày đó, như bao thiếu nữ thành thị cùng trang lứa, bà mê phim và rất thích đến rạp chiếu bóng xem phim. “Tôi luôn thích các bộ phim Mỹ hơn phim Pháp. Phim Pháp nói nhiều quá. Còn phim Mỹ bao giờ cũng nhiều hành động hơn. Tôi còn nhớ như in bộ phim “Cuốn theo chiều gió”, diễn viên là Clark Gable và Vivien Leigh. Ở Hà Nội, phim đó nổi tiếng lắm. Tôi nhớ chúng tôi còn mang theo cả bánh mì xúc xích vào rạp vì phim rất dài”, bà Ngọ bồi hồi nhắc lại.

Cũng nhờ tình yêu với điện ảnh Mỹ ấy mà bà mới quyết tâm đi học tiếng Anh. Thời ấy, ở Hà Nội có được mấy người biết thứ ngôn ngữ phương Tây xa lạ này. Vì vậy đương nhiên, học phí không hề rẻ, những 25 đồng tiền Đông Dương cho một buổi gia sư, trong khi học phí cả tháng ở trường trung học cũng chỉ vài chục đồng là cùng. Thế nhưng, đắt đỏ với ai thì không biết, với nhà bà Ngọ, khoản tiền đó chẳng thấm vào đâu. Cha bà thừa sức lo cho bà muốn học bao nhiêu thì học. Vốn thông minh, chăm chỉ, có năng khiếu về ngôn ngữ, lại thêm đã thành thạo tiếng Pháp từ trước rồi nên khi chuyển sang tiếng Anh, bà tiếp thu rất nhanh mà chẳng gặp khó khăn gì.

Không lâu sau, vận mệnh của đại gia đình bà Trịnh Thị Ngọ bắt đầu đổi thay cùng với vận mệnh quốc gia. Vốn là người yêu nước thiết tha, khi cả dân tộc sục sôi bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, cha bà, cụ Trịnh Đình Kính cũng một lòng một dạ ủng hộ. Không chỉ quyên góp rất nhiều tiền của cho cách mạng, cụ còn tự mua vũ khí để trang bị cho các công nhân tại xưởng thủy tinh Thanh Đức.

Hơn 100 người vừa lo làm việc để vẫn đảm bảo tiến độ sản xuất lại vừa tranh thủ tập luyện bất cứ khi nào có thể để luôn sẵn sàng cầm súng lên chống lại kẻ thù khi đồng bào cần đến. Căn nhà của gia đình bà Trịnh Thị Ngọ cũng thường xuyên đón tiếp các đại biểu quốc hội và cán bộ cách mạng. Nạn đói năm 45, cụ Trịnh Đình Kính cùng nhiều nhà đại tư sản khác cùng nhau dồn hết tiền bạc để giúp đỡ dân nghèo. Cụ còn tự đem gạo và 2 vạn đồng tiền Đông Dương về quê mình cứu đói cho bà con. Chính bởi những đóng góp không chút đắn đo ấy mà tài sản tích cóp suốt bao năm trong nhà cụ Kính nhanh chóng cạn kiệt dần. Năm 1947, cụ Trịnh Đình Kính bị giặc Pháp bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò vì “tội danh” ủng hộ Việt Minh.

Căn nhà lớn của họ Trịnh và xưởng thủy tinh Thanh Đức cũng bị niêm phong. Bỗng chốc trắng tay, cuộc sống của vợ con cụ Kính lại khó khăn muôn phần. Họ phải làm cả những công việc nặng nhọc để kiếm miếng ăn, chỗ ở qua ngày. Tiểu thư Trịnh Thị Ngọ thậm chí đã từng phải đan nón lá bán lấy tiền. Nhưng nhờ tính cách giản dị, bình dân và sự cần cù, chịu thương chịu khó, bà Ngọ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới. Cuộc sống của cả nhà cụ Trịnh, dù còn thiếu thốn nhưng rồi cũng dần ổn định. Dẫu vất vả đến thế nào, bà Trịnh Thị Ngọ cũng nhất quyết không bỏ dở việc học hành.

Con đường trở thành “Nàng tiên cá” Việt Nam

Năm 1955, khi bà Trịnh Thị Ngọ vừa tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội thì gặp đúng lúc Đài tiếng nói Việt Nam tuyển phát thanh viên cho chương trình phát thanh bằng tiếng Anh. Thời đó, người vừa giỏi ngoại ngữ vừa có chất giọng hay như bà Ngọ không nhiều, nên bà được nhận vào làm việc ngay lập tức. Lúc đầu, chương trình của bà chỉ hướng đến đối tượng là công dân các nước láng giềng trong khu vực châu Á có sử dụng Anh ngữ.

Nhưng khi lính Mỹ bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam năm 1965, Ban lãnh đạo đài ngay lập tức phối hợp với Cục Địch vận đề ra đường hướng mới. Bà Trịnh Thị Ngọ được giao cho phụ trách một chương trình phát thanh dành riêng cho… quân địch, gọi là “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ”. Để có thể hoàn thành trọng trách này, bà Ngọ không chỉ làm phát thanh viên mà còn là biên dịch kiêm biên tập viên.

Hình ảnh bà Trịnh Thị Ngọ trên báo Mỹ năm 1966

“Đây là Thu Hương trò chuyện với các binh sĩ Mỹ ở miền Nam Việt Nam”, bà Trịnh Thị Ngọ bao giờ cũng mở đầu chương trình của mình như thế bằng cái thanh âm dịu dàng nhưng cương quyết lạ lùng. “Chào các anh, những binh lính Mỹ. Tôi có thể thấy rằng phần lớn trong số các anh chẳng hiểu mấy về chiến tranh. Chính các anh cũng không thể lý giải được vì sao mình lại có mặt ở đây, trên đất nước này. Còn gì vô ích hơn là lao vào một cuộc chiến, để bị chết hoặc mang thương tật suốt cuộc đời, mà chẳng hiểu rốt sự hy sinh ấy là vì cái gì”. Ngay sau đó, bà bắt đầu bật một bản nhạc ngoại u sầu của các ca sĩ Mỹ nổi tiếng như Bob Dylan, Joan Baez, và Elvis Presley. “Những người chồng đi đâu mất rồi, bao năm tháng trôi qua…

Những người chồng đi đâu mất rồi? Tất cả đã đi lính hết rồi. Ôi, bao giờ họ mới học được bài học của mình?… Những người lính đi đâu mất rồi, bao năm tháng trôi qua… Những người lính đi đâu mất rồi? Tất cả đã nằm dưới mồ rồi. Ôi, bao giờ họ mới học được bài học của mình?...”, đó là lời bài hát “Hoa đi đâu hết rồi” (Where Have All The Flowers Gone) mà bà Trịnh Thị Ngọ thường hay chọn phát nhất.

Từng tiếng từng tiếng một như gặm nhấm tâm can của những người lính Mỹ, gieo vào lòng họ nỗi buồn vô hạn, khiến họ quay quắt trong nỗi nhớ nhà và mất hết niềm tin vào những lý tưởng mà vì chính họ và đồng đội của họ đang ngày đêm đổ máu. Rồi, người nữ phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam tiếp tục mang đến cho binh sĩ Mỹ những tin tức mà họ chẳng bao giờ được nghe từ chính phủ của mình. Đó có khi là một bài báo do những nhà hoạt động chống chiến tranh người Mỹ viết, có lúc lại là câu chuyện về một phụ nữ Mỹ ngoại tình trong lúc chồng đi lính.

Những tin tức này, bà Ngọ cùng ban biên tập lấy từ các ấn phẩm báo chí danh tiếng ở chính nước Mỹ để chương trình tăng thêm tính thuyết phục bởi họ hiểu rằng, lính Mỹ sẽ tin vào những gì người Mỹ nói hơn. Hẳn tiếng nói từ đồng bào không ít thì nhiều sẽ tác động đến tâm lý và tình cảm của họ bởi suy cho cùng, binh lính cũng chỉ là con người mà thôi. Bên cạnh đó, không bao giờ bà quên chia sẻ nỗi đau của những người vợ, người mẹ Việt Nam ngày đêm khắc khoải ngóng tin chồng, tin con ngoài mặt trận hay nỗi thiệt thòi của những đứa trẻ sinh ra mà chẳng được biết mặt cha.

Mục đích của chương trình “Chuyện nhỏ với binh sĩ Mỹ” chính là đánh đòn tâm lý vào kẻ địch, khiến cho lính Mỹ hiểu được sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh này, làm họ mất hết ý chí chiến đấu, thuyết phục họ ngừng bắn giết và trở về với gia đình, vợ con, tổ quốc của mình. “Tôi cố gắng thể hiện thiện chí hết mức và tuyệt đối tránh tỏ ra hiếu chiến hay hung hăng. Ví dụ, khi nói về lính Mỹ, tôi dùng từ “quân địch” chứ không bao giờ gọi họ là “kẻ thù””, bà Ngọ kể lại.

Ngày quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam cũng là lúc chương trình phát thanh của Hannah Hà Nội chính thức kết thúc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, bà chuyển vào Sài Gòn sống cùng chồng, một kiến trúc sư, trong ngôi nhà đơn sơ giản dị. Ngày 30/9/2016 (tức ngày 30 tháng 8 năm Bính Thân) tại TP Hồ Chí Minh, Bà Trịnh Thị Ngọ đã từ trần, hưởng thọ 87 tuổi. Lễ nhập quan được tổ chức vào 15h ngày 30/9, lễ động quan vào 6h ngày 2/10. Sau đó, linh cữu bà Trịnh Thị Ngọ được an táng tại xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Trang Nhi