Chứng khoán Mỹ trái chiều, cổ phiếu công nghệ chao đảo, Apple tiến sát mốc 4 nghìn tỷ USD
Chứng khoán Mỹ khép lại phiên giao dịch đầy biến động khi Dow Jones nhích nhẹ, còn S&P 500 và Nasdaq đồng loạt giảm. Nhóm cổ phiếu hàng không dẫn đầu đà tăng trong khi lĩnh vực công nghệ chịu áp lực, đặc biệt là cổ phiếu Tesla tiếp tục lao dốc. Trong khi đó, Apple nổi bật với đà tăng, tiến gần mốc vốn hóa 4 nghìn tỷ USD. Thị trường cũng chịu ảnh hưởng từ biến động lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và các yếu tố vĩ mô, làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế trong năm 2025.
![]() | Chứng khoán Mỹ bứt phá mạnh mẽ, ngành chip toàn cầu chao đảo trước áp lực từ Trump |
![]() | Chứng khoán Mỹ tăng điểm, Nasdaq dẫn đầu nhờ cổ phiếu công nghệ bứt phá |
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 2,66 điểm (0,04%) xuống còn 6.037,59 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 10,74 điểm (0,05%) đạt mức 20.020,36 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 28,52 điểm (0,06%) kết phiên với 43.325,55 điểm.
Cổ phiếu Nvidia, được xem là “gã khổng lồ chip AI” giảm 0,21% xuống 139,93 điểm, trong khi nhóm "Magnificent Seven" ghi nhận biến động không ổn định trong phiên giao dịch thứ Năm.

Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn đã giảm nhẹ trong mùa hè, khi các nhà đầu tư tìm cách chuyển một phần vốn sang các ngành khác có định giá hấp dẫn hơn. Tuy nhiên kể từ cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, nhóm cổ phiếu này đã lấy lại đà tăng và có hiệu suất vượt trội so với phiên bản bình quân không trọng số của chỉ số S&P 500. Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng nhẹ, đẩy chỉ số Russell 2000 tăng 0,9%.
Cổ phiếu Tesla tiếp tục lao dốc, giảm 1,76% xuống còn 454,13 điểm trong phiên sau Giáng sinh. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, cổ phiếu Tesla vẫn tăng hơn 80%, phần lớn nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ sau chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử.
Cổ phiếu Apple tăng 0,32% đạt mức 259,02 điểm sau khi nhà phân tích Dan Ives thuộc Wedbush nâng giá mục tiêu của hãng lên 325 USD, cao nhất trên Phố Wall. Trong tháng qua, cổ phiếu Apple đã tăng hơn 11% và đang tiến gần mốc vốn hóa 4 nghìn tỷ USD.
Cổ phiếu Alibaba cũng ghi nhận mức tăng 0,56% lên mức 86,08 điểm sau khi tập đoàn này đồng ý sáp nhập hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc với nền tảng E-Mart Inc., nhằm cạnh tranh tốt hơn trên thị trường bán lẻ trực tuyến năng động.
Cổ phiếu ngành hàng không ghi nhận mức tăng nhẹ, trong đó Boeing tăng 0,58% lên 180,38 điểm, còn HoneyWell tăng 1,29% đạt 231,86 điểm. Theo Bespoke Investment Group, Boeing là cổ phiếu tụt hậu nhất, giảm 30% từ đầu năm do đối mặt với nhiều thách thức về sản xuất và an toàn.
Bitcoin giảm và dao động quanh mức 96.000 USD, mất 10% so với mức đỉnh 108.000 USD đạt được hơn một tuần trước. Mặc dù biến động, đồng tiền này vẫn tăng gần 120% từ đầu năm, vượt trội so với vàng và các chỉ số chứng khoán khác. Trong bối cảnh đấy, cổ phiếu liên quan đến tiền mã hóa như MicroStrategy cũng giảm điểm.
Những lo ngại chính trong năm 2025 bao gồm mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), các chính sách thuế quan và kinh tế dưới thời chính quyền Trump cùng với những căng thẳng địa chính trị đang gia tăng.
Trong một phiên giao dịch ít biến động, các nhà đầu tư phản ứng với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng nhẹ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 5 ở mức 4,64% trong phiên sáng. Tuy nhiên, một phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 7 năm thành công vào buổi chiều đã giúp lợi suất giảm xuống 4,58% vào cuối phiên.
Theo quan điểm truyền thống, lợi suất cao thường gây bất lợi cho cổ phiếu tăng trưởng vì làm tăng chi phí vay vốn mở rộng kinh doanh. Khi thị trường ngày càng phụ thuộc vào các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn, hay còn gọi là “Magnificent Seven,” sự suy yếu của nhóm này trong bối cảnh thiếu các yếu tố hỗ trợ khác có thể gây áp lực giảm điểm lên các chỉ số chính.
Hoàng Thái