Doanh nghiệp mỹ phẩm có quảng cáo “nổ” nhằm “đánh lừa” người tiêu dùng?

Ngọc Lan 10/07/2018 08:06

TBCKVN - Thực trạng quảng cáo mỹ phẩm quá lố bằng nhiều hình thức, chiêu trò gây ngộ nhận cho người dùng đã đến mức báo động. Nhiều đơn vị quảng cáo với nhiều chức năng quá tầm sản phẩm, nội dung không như đăng ký. Việc này phải chăng nhằm "đánh lừa" người tiêu dùng để bán hàng?

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM vừa ra quyết định xử phạt hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm do quảng cáo không đúng sự thật, không có hồ sơ thông tin sản phẩm lưu theo quy định… Trước đó Sở y tế TP. Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra Viện chăm sóc da Dr- Spiller Skinlab (44B Hàng Bún, phường Trung Trực, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đại diện là bà: Trần Thị Dung - Giám Đốc, của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư V.B.C.L. Tại đây, đoàn thanh tra phát hiện việc thông tin, nhãn mác quảng cáo không đúng sự thật. Do đó ông Nguyễn Văn Đức- Phó chánh Thanh tra (Sở y tế Hà Nôi) đã ký quyết định số: 476/QĐ- XPVPHC, ngày 16/11/2017 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: “Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư V.B.C.L đã thông tin sản phẩm mỹ phẩm có tác dụng như thuốc”. Vi phạm tại điểm e- khoản 3- điều 49 Nghị định số: 176/2013/NĐ- CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế.Hình thức xử lý là phạt 30 triệu đồng nộp vào Phòng giao dịch Thái Hà (Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam- chi nhánh Đống Đa, địa chỉ 159, phố Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) và buộc tiêu hủy nhãn các sản phẩm mỹ phẩm vi phạm. Có một thực tế là dù rất nhiều nhãn hàng được quảng cáo “nổ” như bắp rang bị các đơn vị chức năng “sờ gáy”, nhưng vì lợi nhuận một số các trang bán hàng mỹ phẩm vẫn vô tư bóp méo sự thật khiến người tiêu dùng hoang mang.

Các chuyên gia cho biết để có làn da mặt mịn màng, tươi sáng, mềm mại… không phải chỉ có hút sạch, rửa sạch, thoa mỹ phẩm và massage. Chăm sóc da là một kỳ công của phụ nữ vì làn da sáng đẹp nhờ nhiều yếu tố: dinh dưỡng, tránh tác động của nắng, giữ vệ sinh da.

Với một sản phẩm, phải có thông tin đầy đủ tính năng và tác dụng của nó để không đặt kỳ vọng quá nhiều khi sử dụng. Thí dụ mụn là hậu quả của nhiều nguyên nhân: nhiễm trùng da, tích tụ chất nhờn tuyến bã, rối loạn tiêu hóa, rối loạn nội tiết tố… mà việc điều trị không đơn thuần là bôi kem.

Bộ Y tế đưa ra khái niệm để phân biệt thuốc và mỹ phẩm: -Thuốc: là chất hoặc hỗn tạp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể bao gồm thuốc thành phẩm, vật liệu làm thuốc, văcxin, sinh phẩm y tế. Tân dược (tân dược) hay thuốc ta (đông dược) đều phải được sản xuất tại các nhà máy sinh sản thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (Thực hành tốt sinh sản thuốc - theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng. - Mỹ phẩm: một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi) hoặc răng và niêm mạc mồm với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh. Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng.

Ngọc Lan