Cơ cấu lại khoản đầu tư, Vinaconex đem toàn bộ hơn 30% vốn tại Xây dựng số 11 ra bán

Lâm Tuyền 04/10/2021 16:41

Dự kiến giao dịch sẽ thực hiện từ ngày 30/9 đến 29/10/2021. Nếu thoái vốn thành công, Vinaconex sẽ chính thức rời ghế cổ đông tại CTCP Xây dựng Số 11 (V11).

Cơ cấu lại khoản đầu tư, Vinaconex đem toàn bộ hơn 30% vốn tại Xây dựng số 11 ra bán

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) mới đây đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 2,5 triệu cổ phiếu V11 của CTCP Xây dựng Số 11, tương ứng 30,36% vốn điều lệ.

Mục đích đưa ra là nhằm cơ cấu lại khoản đầu tư, dự kiến giao dịch sẽ thực hiện từ ngày 30/9 đến 29/10/2021. Nếu thoái vốn thành công, Vinaconex sẽ chính thức rời ghế cổ đông tại CTCP Xây dựng Số 11.

Được biết, ông Lại Đức Toàn - Chủ tịch HĐQT V11 hiện đang là Người đại diện phần vốn góp của Vinaconex tại V11.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu V11 trong phiên 1/10 đã tăng kịch trần 12,5% lên mức 900 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 287 nghìn đơn vị. Tạm tính theo mức giá này, VCG sẽ thu về hơn 2 tỷ đồng nếu hoàn tất giao dịch.

Diễn biến giá cổ phiếu V11 trong 1 năm trở lại đây.

Vinaconex trong năm 2021 đã liên tục tái cơ cấu thông qua thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết. Gần nhất trong tháng 8, VCG đã thành công chuyển nhượng toàn bộ hơn 6,5 triệu cổ phần tại công ty con là CTCP Vận tải Vinaconex (VCV), tương đương với tỷ lệ 59,12% vốn.

Mới đây, Vinaconex (VCG) công bố nghị quyết chấp thuận đầu tư góp 40% vốn điều lệ của CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh.

Theo tìm hiểu, Cảng quốc tế Vạn Ninh được thành lập vào tháng 4/2018 với ngành nghề chính là bóc xếp hàng hóa, trụ sở đặt tại đại lộ Hòa Bình, khu Hồng Hà, phường Ninh Dương, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Vốn điều lệ tính đến nay của công ty là 500 tỷ đồng, do ba cổ đông góp vốn, trong đó CTCP Dương Đông - Sài Gòn (thành lập năm 2006, vốn điều lệ 720 tỷ đồng) nắm 65% vốn điều lệ, còn lại là hai cá nhân Dương Văn Thành và Lê Tuấn Long, lần lượt sở hữu 15% và 20% cổ phần.

Theo TTXVN, vào cuối tháng 8 năm ngoái, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải chủ trương đầu tư dự án xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1).

Mục tiêu của dự án là xây dựng bến cảng hàng hóa tổng hợp và container phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại khu vực, tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 20.000 DWT. Trong đó, giai đoạn đến năm 2024, công suất thông qua 1,68 triệu tấn/năm, giai đoạn đến năm 2028 có tổng công suất thông qua 2,8 triệu tấn/năm.

Dự án sẽ xây dựng 500 m bến cầu chính tiếp nhận đồng thời hai tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc ba tàu trọng tải 10.000 DWT và tiếp nhận các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180 m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ.

Đồng thời sẽ xây dựng ba cầu dẫn; nạo vét khu nước trước bến, vũng quay tàu và thiết lập hệ thống báo hiệu hàng hải. Song song đó dự án sẽ được xây dựng tuyến đường giao thông kết nối cảng dài khoảng 2,5 km cùng hệ thống hạ tầng kho, bãi và các công trình phụ trợ, thiết bị với tổng diện tích đầu tư xây dựng là 827.944 m2.

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.248,5 tỷ đồng, dự kiến thực hiện đầu tư xây dựng vào quý IV năm nay và khai thác vào quý IV/2023.

Cách đây không lâu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã ký văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương đầu tư dự án nói trên.

Chứng khoán phiên chiều 4/10: Lực bán cuối phiên, VN-Index không giữ được ngưỡng 1.340 điểm

Thị trường tiếp tục hưng phấn ngay khi mở cửa phiên chiều, VN-Index có thời điểm bật tăng hơn 12 điểm và hướng thẳng ...

Cổ phiếu TLH tăng mạnh, Thép Tiến Lên tiếp tục mang toàn bộ cổ phiếu quỹ ra bán

Số cổ phiếu quỹ được mang ra bán đã được công ty mua vào từ tháng 6,7 của năm 2015. Giá mua vào lúc đó ...

Thị trường chứng khoán ngày 4/10/2021: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ...

Lâm Tuyền