Nhận diện sự thay đổi logo các ngân hàng trong 10 năm qua
TBCKVN – Hệ thống hơn 30 ngân hàng Việt đã ghi nhận quá nửa trong số đó thay đổi nhận diện thương hiệu trong 10 năm qua.
Trong bối cảnh ngành tài chính - ngân hàng ngày càng cạnh tranh gay gắt, việc làm sao để thu hút khách hàng là bài toán lớn. Trong đó, xây dựng nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp có chiều sâu, ý nghĩa là việc hết sức quan trọng.
Bởi lẽ đó nên trong 10 năm qua, cả hệ thống có hơn 30 ngân hàng thì đã có tới hơn một nửa trong số đó thay đổi nhận diện thương hiệu. Bối cảnh thay đổi ở từng ngân hàng khác nhau, không chỉ là để "đẹp" hơn, hợp thị hiếu khách hàng hơn mà còn gắn liền với ý nghĩa chuyển đổi nhất định. Đó có thể xuất phát từ nhân sự cấp cao, hoặc như một lời tuyên bố làm mới mình, đặc biệt trong giai đoạn hệ thống ngân hàng ráo riết cho công cuộc tái cơ cấu.
Thay đổi nhận diện thương hiệu không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa thay đổi vẻ bề ngoài, mà trên thực tế, nó kéo theo một cơ số những đổi mới có tính hệ thống tại các ngân hàng.
Ngân hàng thay đổi nhận diện gần đây nhất là Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Tên gọi của ngân hàng này thay đổi từ Maritime Bank sang MSB. Logo được thiết kế lại đơn giản hơn, và theo ngân hàng là thể hiện sự hiện đại, năng động, thân thiện. Theo MSB, trong năm 2019, ngân hàng sẽ triển khai những thay đổi lớn về chiến lược, nhận diện thương hiệu và mô hình trải nghiệm khách hàng.
Trước MSB, đã có nhiều ngân hàng khác cũng thay đổi logo, có thể kể đến: Vietcombank, VietinBank, OCB, SCB, Sacombank, Eximbank, ACB, NCB, Agribank, VietCapitalBank, LienVietPostBank, TPBank, CBBank, GPBank,...
Nhìn chung, xu hướng trong thiết kế logo mới của các ngân hàng là đơn giản hơn và ít màu sắc hơn so với trước, và có nhiều ngân hàng sau khi thay đổi cũng chẳng có nhiều sự khác biệt so với trước...Tuy nhiên ít thay đổi không có nghĩa là không tốn kém. Theo các chuyên gia làm marketing, việc thay đổi logo của các ngân hàng rất tốn kém do phải thay đổi trên toàn bộ hệ thống, không chỉ ở các sản phẩm, dịch vụ giới thiệu tới khách hàng mà còn là bảng biển ở các phòng giao dịch, điểm quảng cáo. Một nguồn tin của chúng tôi cho biết, có một ông lớn ngân hàng đã tiêu tốn hơn 900 tỷ đồng cho việc thay đổi nhận diện thương hiệu này.

Ngoài ra, trong vòng 5 năm trở lại đây, quy mô của hệ thống tổ chức tín dụng TCTD Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Từ mức tổng tài sản hơn 5,7 triệu tỷ đồng cuối năm 2013, đến cuối năm 2018 con số này đã vượt qua mốc 11 triệu tỷ, tức tăng gần gấp đôi sau 5 năm.
Tổng tài sản của hệ thống đang tập trung ở các Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước (tỷ trọng 44%), sau đó là các NHTM cổ phần (41%). Tổng tài sản của các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 10%. 3% còn lại là của các loại hình TCTD khác như công ty tài chính, cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân.
Cuối năm 2013, cả nước chỉ có 4 ngân hàng có tổng tài sản đạt trên 10 tỷ USD và đều là các ngân hàng có vốn chi phối của nhà nước. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, con số này đã lên tới 11 ngân hàng bao gồm: BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, SCB, Sacombank, MB, ACB, SHB, VPBank và Techcombank. Trong đó, BIDV và Agribank đang có tổng tài sản lớn nhất, đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng.
11 cái tên này đang có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường khi ước tính có thị phần tiền gửi và tín dụng trên 2/3 toàn thị trường, ngày càng tỏ ra cách biệt với những ngân hàng nhỏ phía sau.
SCB, VPBank, Sacombank, BIDV và Vietcombank là 5 ngân hàng có tăng trưởng tổng tài sản nhanh nhất trong nhóm này, lần lượt tăng 176%, 167%, 152%, 139% và 129%.
Trong khi tổng tài sản tăng theo cấp số nhân, vốn tự có và vốn điều lệ của các ngân hàng lại tăng khá chậm chạp. Đến cuối năm 2018, tổng số vốn tự có của hệ thống TCTD đạt hơn 806 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 339 nghìn tỷ tương đương tăng 73% so với cuối năm 2013. Trong đó, vốn tự có của các công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng mạnh nhất với hơn 10 lần. Còn các NHTM Nhà nước có vốn tự có tăng chậm nhất (tăng 59%).
Trong 5 năm, vốn điều lệ của hệ thống được bổ sung hơn 152 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 36%. Theo đó, cuối năm 2018, tổng vốn điều lệ của cả hệ thống TCTD đạt trên 576 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệcủa khối ngân hàng cổ phần là lớn nhất và cũng tăng nhanh nhất trong 5 năm qua ( tăng 38%).
Tuy nhiên, trên thực tế trong nhóm ngân hàng cổ phần cũng có sự phân hóa rõ rệt. Những ngân hàng Top đầu như VPBank, Techcombank, MBBank, ACB,...có được nhiều thuận lợi trong việc tăng vốn nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng, cổ phiếu tăng trưởng tốt và nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ quanh 3.000 tỷ đồng vẫn đang loay hoay tìm đường tăng vốn nhưng bế tắc.
Việc tăng trưởng quy mô tổng tài sản quá nhanh trong khi vốn điều lệ được bổ sung vào không kịp đã dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) có xu hướng giảm ở nhiều TCTD. Cuối năm 2018, chỉ số CAR của cả hệthống TCTD là 12,14%, trong đó, khối NHTM Nhà nước chỉ đạt 9,53%. Khối các ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài vẫn duy trì CAR khá cao, đạt 23,88%.
Tỷ lệ an toàn vốn thấp của các ngân hàng Việt đang đặt ra nhiêu thách thức và bị xem là điểm nghẽn cho sựtăng trưởng của cả hệ thống. Theo một báo cáo của VDSC, CAR của hệ thống ngân hàng Việt đang ở mức thấp nhất trong khu vực Asean.