Xuất khẩu sang EU: Thị trường lớn nên “sóng lớn”

17/08/2016 10:08

Thị trường EU trong giai đoạn chờ Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) có hiệu lực vẫn đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải cải thiện, xem lại chiến lược xuất khẩu nếu muốn giữ đà tăng trưởng xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục đối mặt những hệ luỵ không nhỏ của hậu Brexit từ thị trường xuất khẩu lớn thứ hai này.


Số liệu của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết trong nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã đạt 16,2 tỷ USD (tăng 8,68%).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 vẫn là các sản phẩm truyền thống có thế mạnh như hàng dệt may, giày dép các loại, cà phê, hải sản, máy vi tính.

“Bắt bệnh” nhập để xuất

Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện mới bắt đầu được xuất khẩu từ năm 2011, tuy nhiên đến năm 2015, đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 9,7 tỷ USD. Các nhóm mặt hàng này chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU.

Một số mặt hàng khác có kim ngạch không lớn nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng đều (khoảng từ 5-10%/năm) gồm: Sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách-vali-ô dù, hạt tiêu, hạt điều, v.v…

Trong buổi nhóm họp với giới doanh nghiệp (DN) tại Tp.HCM mới đây, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU – MUTRAP, đã lưu ý Việt Nam là một quốc gia “chuyển đổi” (thiết bị điện tử, điện thoại, hàng dệt may và giày dép). Nghĩa là nhiều nguyên vật liệu và các thành phần của sản phẩm xuất khẩu được nhập khẩu.

Đây là “căn bệnh” chung của nhiều DN xuất khẩu sang EU hiện nay. Trong khi đó, thương mại dịch vụ vẫn còn là điểm hạn chế của Việt Nam.

Có một số vấn đề trong thương mại Việt Nam – EU mà vị Tư vấn trưởng Dự án EU – MUTRAP muốn Việt Nam cân nhắc. Đó là xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là của các doanh nghiệp FDI (chiếm hơn 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu).




Các DN xuất khẩu của Việt Nam phải xem lại chiến lược phát triển phù hợp với EVFTA


Theo phân tích của ông Dordi, hiện nay, Việt Nam đang hưởng lợi từ Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP – là một hệ thống đơn phương mà theo đó các nước phát triển cho các nước đang phát triển hưởng chế độ ưu đãi bằng cách giảm hoặc miễn thuế.

Các ưu đãi GSP là kết quả từ quyết định đơn phương của EU, nghĩa là các ưu đãi về thuế (thuế lợi thế) có thể được bãi bỏ hoặc cắt giảm vì lý do chính trị hoặc khi các nước thụ hưởng có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hoặc tăng trưởng xuất khẩu lớn.

Còn với EVFTA, ông Claudio Dordi khẳng định đây là hiệp định không chỉ giới hạn ở đơn phương ưu đãi thuế quan mà mục tiêu chính là việc loại bỏ thuế quan và các rào cản thương mại khác cho các nước thành viên.

Nên xem lại chiến lược xuất khẩu

Mặc dù những tác động trực tiếp từ việc Anh rời khỏi EU (Brexit) được cho là không lớn nhưng theo giới chuyên gia, sẽ có những tác động đến hoạt động xuất khẩu giữa Việt Nam với EU trong thời gian tới (EU hiện chiếm tới 19,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Dự báo cho rằng khi kinh tế EU từ hậu Brexit bị ảnh hưởng tiêu cực thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó mà tích cực được. Triển vọng của EVFTA được cho là sẽ bị ảnh hưởng. Hiệp định thương mại này, với rất nhiều thỏa thuận phức tạp, đã được ký kết vào tháng 12/2015 với toàn bộ văn kiện được công bố rộng rãi từ đầu tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, do EVFTA chưa được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu, đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU (không có nước Anh). Trong cả hai trường hợp, vấn đề có lẽ là sự khác biệt thời gian cho các thủ tục hành chính hơn là việc phải đàm phán lại từ đầu.

Vấn đề ảnh hưởng lớn thứ hai có lẽ là tỷ giá, ít nhất là biến động trong ngắn hạn, tác động tiêu cực đến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Anh. Vì bảng Anh giảm giá sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam đắt đỏ hơn ở Anh và EU.

Phân tích của nhóm nghiên cứu trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng trong trung và dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do thị trường EU bị thu hẹp và tăng trưởng kinh tế tại các nước EU suy giảm.

Trong khi đó, theo giới chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU hiện nay vẫn là làm thế để tận dụng được các ưu đãi từ EVFTA. Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và sản phẩm an toàn cũng là rào cản đối với các DN khi tiếp cận thị trường khó tính này.

Nói như ông Claudio Dordi, giá trị gia tăng thấp ở Việt Nam chính là một trong những khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ của FTA. Cắt giảm thuế quan là chưa đủ, Việt Nam cần phải nắm bắt các giá trị gia tăng cao hơn.

Và điều mà ông Dordi khuyến nghị đến các DN xuất khẩu của Việt Nam là phải xem lại chiến lược phát triển phù hợp với EVFTA. Hơn nữa, các DN Việt cần sớm nâng cao tỷ lệ nội địa, giảm tỷ lệ sản xuất thủ công, cải tiến trong kênh phân phối, nghiên cứu thị trường hàng cao cấp EU và các giải pháp tìm kiếm cho các vấn đề lao động…



Theo Thời báo Kinh doanh