Sáng nay (20/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh đó, phần hỏi đáp khá thú vị về một khoản mục chiếm 10% giá trị tổng tài sản của TCB được các Lãnh đạo của nhà băng giải thích tường tận.

Cụ thể, ngay trong câu hỏi đầu tiên, một cổ đông thắc mắc về Tài sản khác trên Bảng cân đối kế toán của Techcombank. Theo đó, người này đặt vấn đề, năm 2019-2020, tài sản khác của TCB chỉ khoảng 5-6%, tại sao sang năm 2023 lại chiếm tới 10% tổng tài sản? Tại sao tăng mạnh như vậy trong khi so sánh với tỷ lệ tài sản khác ở các ngân hàng như ACB chỉ khoảng 2%?

Vị cổ đông này còn ví như một người có lương 10 triệu, đưa về cho vợ có 9 triệu… khiến cho cổ đông “hơi lo” với khoản mục này.

Trả lời cổ đông, Giám đốc Tài chính TCB - ông Alexandre Macaire cho biết, sự gia tăng của tài sản khác trên bảng CĐKT TCB thực ra là liên quan đến UPAS L/C và không có gì bất thường.

“Nếu có vấn đề gì, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu Techcombank làm rõ”, Giám đốc Tài chính của Techcombank khẳng định.

Cổ đông Techcombank (TCB) lo lắng về khoản mục 'Khác' chiếm tới 10% tổng tài sản của Ngân hàng và lời giải thích của lãnh đạo
CEO Techcombank trong phần trình bày tại ĐHCĐ Techcombank năm 2024

Với các cá nhân và những người ngoài ngành, khái niệm UPAS L/C khá “lạ tai”, nhưng trên thực tế, đây là một sản phẩm L/C quen thuộc với những doanh nghiệp làm xuất nhập khẩu trong những năm gần đây.

UPAS L/C (Usance Payable At Sight Letter of Credit) là thư tín dụng trả chậm đối với người nhập khẩu nhưng lại có giá trị thanh toán ngay đối với người xuất khẩu.

Về bản chất, đây là khoản tín dụng ngắn hạn ngân hàng hoàn trả đã ứng trước cho người bán nhưng cho ngân hàng phát hành trả chậm với thời hạn và chi phí theo thỏa thuận trên cơ sở các giao dịch L/C trả ngay đã thực hiện.

Vài năm trở lại đây, UPAS L/C đã trở thành một trong những sản phẩm tài trợ thương mại nổi trội, thu hút được nhiều khách hàng doanh nghiệp sử dụng thường xuyên trong các giao dịch mua bán xuất nhập khẩu với các đối tác quốc tế cũng như thương mại nội địa với đối tác trong nước. Hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai sản phẩm tài trợ thương mại này.

Trước khi kết thúc phần hỏi đáp trong Đại hội, Giám đốc Khối quản trị TCB, ông Phạm Quang Thắng một lần nữa giải thích rõ thêm về khoản mục này để giúp cổ đông hiểu đúng khi đọc BCTC của ngân hàng. Theo vị này, UPAS L/C là một hình thức tín dụng, được quy định trong UCP 600, các nước trên thế giới đều áp dụng. Ở Việt Nam, hiện nay NHNN chưa có hướng dẫn hạch toán đầy đủ về khoản này, chưa có hướng dẫn hạch toán vào dư nợ tín dụng nên tất cả các ngân hàng trong hệ thống đều hạch toán UPAS L/C vào tài sản có khác.

Ông Thắng cho biết, trong Luật TCTD mới, NHNN đang dự thảo các Nghị định, trong đó có hướng dẫn hạch toán liên quan nghiệp vụ L/C. Trước đây theo quy định cũ, nghiệp vụ L/C được hạch toán vào dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán. Trong Luật TCTD mới, L/C đưa vào nghiệp vụ tín dụng. Sự khác nhau chỉ liên quan đến thuế VAT và NHNN sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Lãnh đạo Techcombank cũng tái khẳng định, đây là một nghiệp vụ bình thường, không liên quan đến nợ xấu, không liên quan đến việc tách ra dư nợ hay nợ xấu.