Phiên 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút ròng 4.600 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 2,5%/năm, tăng 0,3 điểm % so với phiên 27/3, có 6/6 thành viên tham gia trúng thầu.

Trước đó, NHNN đã hút gần 165.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu qua 13 phiên liên tiếp, với tốc độ trung bình 13.809 tỷ đồng/phiên và lãi suất 1,43%/năm.

Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, NHNN đã hút về tổng cộng gần 169.000 tỷ đồng và vẫn chưa có động thái bơm thêm.

NHNN hút gần 169.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu sau phiên 28/3
Kết quả đấu thầu thị trường mở phiên 28/3

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc NHNN hút tiền thông qua kênh tín phiếu chủ yếu do áp lực tỷ giá. Động thái này sẽ giúp ổn định tỷ giá và không có nhiều tác động tới thị trường chứng khoán. Đồng thời, tỷ giá ổn định còn có tác dụng tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty vay tiền bằng đồng USD.

Đánh giá về vấn đề này, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, hoạt động hút ròng tín phiếu chủ yếu là hoạt động nghiệp vụ, công cụ điều tiết và không hàm ý đảo chiều chính sách.

Theo thống kê từ BSC, trong giai đoạn 2018-2023, NHNN cũng đã thực hiện động thái này nhiều lần trong năm. BSC cho biết nhà điều hành hút ròng trung bình 9,4 lần/năm và số ngày trung bình/đợt hút ròng là 13,4 ngày.

Giá trị hút ròng trung bình mỗi chu kỳ đạt 47.647 tỷ đồng, cho thấy các đợt hút ròng chủ yếu có quy mô nhỏ. Đợt hút ròng lớn nhất là vào năm ngoái, với quy mô gần 240.000 tỷ đồng (số liệu của BSC).

Theo BSC, đợt hút ròng lần này có những nét tương đồng và khác biệt với giai đoạn cuối năm 2023. Trong cả hai giai đoạn, tỷ giá đều tăng mạnh, tuy nhiên vào đầu năm 2024, những yếu tố tác động lên tỷ giá như USD Index hay quan điểm chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã dịu bớt.