Nhiều ‘ông chủ’ sân golf chi hàng nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn

Cập nhật: 13:50 | 08/03/2023 Theo dõi KTCK trên

Trong thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư các dự án sân golf đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn dù không tạo ra mức lợi nhuận cao.

Nhiều chủ đầu tư dự án sân golf chi hàng nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn.
Nhiều chủ đầu tư dự án sân golf chi hàng nghìn tỷ mua lại trái phiếu trước hạn.

Có thể kể đến, Công ty CP Phát triển Golf Thiên Đường từ cuối tháng 11.2022 đến nay đã mua trái phiếu trước hạn nhiều đợt với tổng giá trị mua lên tới 1.700 tỷ đồng.

Theo thông tin được công bố, vào ngày 3/3 công ty này đã mua lại một phần trai phiếu trước hạn thuộc lô PGCBOND.2020, khối lượng mua lại là 187,48 tỷ đồng. Trước đó công ty đã mua lại 5 đợt với tổng giá trị hơn 1.540 tỷ đồng. Do vậy mà khối lượng trái phiếu lưu hành giảm từ 2.681 tỷ đồng còn 953,19 tỷ đồng, đây là lô trái phiếu duy nhất đang lưu hành của doanh nghiệp này.

Được biết, lô trái phiếu PGCBOND.2020 trên có kỳ hạn là 10 năm, lãi suất phát hành cho năm đầu tiên cố định 11,5%/năm, các năm tiếp theo thì lãi suất bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 3%/năm. Lô trái phiếu này được Golf Thiên Đường phát hành vào ngày 2/1/2020 và hoàn tất trong cùng ngày. Mục đích huy động vốn không được doanh nghiệp tiết lộ.

Tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là toàn bộ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp từ dự án Sân Golf 36 hố và khu phụ trợ tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, do Golf Thiên Đường là chủ đầu tư.

Hơn một tuần sau khi doanh nghiệp hoàn tất phát trái phiếu, dự án sân golf này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có diện tích 186,1 ha, tổng vốn đầu tư là 3.230 tỷ đồng, theo một số nguồn tin, dự án đã được triển khai từ cuối năm 2021 và dự kiến hoàn thành 36 hố vào cuối năm 2023.

Cùng với đó, Công ty CP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng (QVCC) cũng đã mua lại trước hạn 3 lô trái phiếu phát hành năm 2018 và 2019 trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến ngày 19/01/2022. Trong đó có lô QVCBOND.2018 được mua lại trước hạn khoảng 268 tỷ đồng, có giá trị phát hành 1,000 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 09/04/2023); lô QVCBOND.2019-1 có giá trị phát hành 1,500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 06/06/2024), mua lại trước hạn 516 tỷ đồng; lô QVCBOND.2019-2 có giá trị phát hành 1,500 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 30/10/2024), mua lại trước hạn 950 tỷ đồng. Vì thế, số dư trái phiếu còn 2,266 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của dự án sân golf Thung lũng Nữ Hoàng tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) - một trong những dự án chậm tiến độ nhiều năm của địa phương này và có số vốn đầu tư khoảng 2,295 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Dịch vụ Vui chơi Giái trí Thể thao Hà Nội (HSIC) từ tháng 11/2022 đến nay cũng đã 4 lần mua lại các lô trái phiếu. Gần đây nhất là tháng 1 và 2/2023, doanh nghiệp này đã mua lại lô TP 1.300 tỷ đồng với giá trị lần lượt là 225 và gần 239 tỷ đồng. Hồi tháng 11 và 12/2022 cũng đã mua lại trước hạn lần lượt gần 91 tỷ và 113 tỷ đồng lô trái phiếu này. Qua 4 lần mua, HSIC đã mua tổng 633 tỷ đồng, giá trị còn lại là hơn 667 tỷ đồng.

Được biết, lô TP này kỳ hạn 5 năm, phát hành ngày 12/06/2019 và đáo hạn ngày 12/06/2024, lãi suất 10%/năm. TSĐB là dự án khu du lịch văn hóa Sóc Sơn Khu III - Khu vực công cộng và làng du lịch tại xã Phù Linh.

Đáng chú ý, số trái phiếu của HSIC được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Phú Cường mua toàn bộ, trong khi CTCP Chứng khoán ASEAN tổ chức tư vấn, đại lý phát hành và quản lý trái phiếu.

Mặc dù huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu nhưng 3 doanh nghiệp vừa nêu chỉ tạo ra mức lợi nhuận vài trăm triệu đồng trong nửa đầu năm 2020, tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đều trên 1.

Quang Đăng