PSG. TS Đinh Trọng Thịnh:

Ngân hàng thà chịu lãi suất thấp, lợi nhuận giảm hoặc lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng

Cập nhật: 14:20 | 16/10/2023 Theo dõi KTCK trên

Không thể hạ thấp điều kiện cho vay. Nếu hạ thấp những điều kiện này, ngân hàng rất dễ gặp rủi ro. Khi một ngân hàng vỡ nợ sẽ kéo theo cả hệ thống sụp đổ…

Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có gần 56% doanh nghiệp gặp khó khăn tiếp cận tín dụng, cao nhất trong 3 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng liên tục giảm. Năm 2022 chỉ còn 17,8% doanh nghiệp có khoản vay ngân hàng, thấp nhất trong 5 năm và thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid-19.

Ngân hàng thà chịu lãi suất thấp, lợi nhuận giảm hoặc lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng
Hình minh họa.

Thà lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng

Mới đây, cử tri tỉnh Bắc Ninh đã có kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các ngân hàng địa phương vì ngân hàng là bên cho vay nhưng một số ngân hàng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.

Tuy nhiên, về kiến nghị hạ chuẩn cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; TCTD quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD.

PSG. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viên Tài chính nhận định, về mặt nguyên tắc, điều kiện về tín dụng là phương án tối thiểu để đảm bảo an toàn về vốn cho một khoản vay, đồng thời đảm bảo an toàn về vốn cho ngân hàng nói riêng và cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Ông Thịnh chia sẻ, trong mọi trường hợp, không thể hạ thấp điều kiện cho vay. Nếu hạ thấp những điều kiện này, ngân hàng rất dễ gặp rủi ro. Khi một ngân hàng vỡ nợ sẽ kéo theo cả hệ thống sụp đổ, nguyên tắc domino của hệ thống ngân hàng mang hậu quả rất khủng khiếp, nên buộc NHNN phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tiêu chuẩn, điều kiện để cho doanh nghiệp vay vốn.

Theo đó, ông Thịnh khẳng định, thà ngân hàng chịu lãi suất thấp, lợi nhuận giảm hoặc thậm chí lỗ chứ không thể hạ chuẩn tín dụng.

Tìm cách vượt khó

Nền kinh tế đang có một nghịch lý là trong khi doanh nghiệp đang “khát” vốn, dòng tiền vẫn đang nằm im tại ngân hàng mà không chịu “chảy” ra nền kinh tế phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với việc "thừa tiền" tại hệ thống ngân hàng hiện nay, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Nhà nước cần có giải pháp huy động những nguồn tiền ứ đọng này vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư công. Động thái mới đây của Ngân hàng Nhà nước khi mở lại kênh tín phiếu nhằm thu hút tiền về cũng góp phần giảm mức độ dư thừa của thanh khoản ngân hàng.

Ngoài ra, Chính phủ có nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ lớn trong năm nay, cũng như cho phép đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu. Trong bối cảnh lãi suất bấp bênh, ngân hàng đang thừa vốn như hiện tại, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng đề xuất, để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng nên số hóa và đơn giản thủ tục ở mức tối đa để giảm thời gian xem xét, cấp vốn vay cho người vay.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng các ngân hàng cần tìm cách cho vay tín chấp với điều kiện kiểm soát được dòng tiền của các doanh nghiệp.

“Các ngân hàng Việt Nam vẫn đang hoạt động như một tiệm cầm đồ, phải có tài sản thế chấp, phải có tài sản bảo đảm thì mới cho vay. Song, giai đoạn này, các ngân hàng cần xem xét đến việc cho vay tín chấp thông qua việc kiểm soát được vòng quay của vốn và kiểm soát được dòng tiền của doanh nghiệp như thông lệ quốc tế”, ông phân tích.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ phía ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng...

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), doanh nghiệp cũng cần đồng hành với Chính phủ để tái cơ cấu lại những lĩnh vực kinh doanh của mình trước biến động khôn lường của kinh tế thế giới. Theo đó, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, áp dụng chuyển đổi số, hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển những sản phẩm đáp ứng những đòi hỏi mới về xuất khẩu, mạnh dạn tham gia vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI. Đáng chú ý, khi ngân hàng đang tập trung tín dụng xanh, doanh nghiệp cũng cần đáp ứng yêu cầu về tín chỉ xanh, tín chỉ carbon.

Big 4 ngân hàng đầu tư kinh doanh, bảo toàn vốn Nhà nước ra sao?

Theo báo cáo Chính phủ đề cập đến kết quả triển khai đầu tư vốn và thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng. Trong ...

Các “ông lớn” ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất

Sau khi liên tục điều chỉnh hạ lãi suất, lãi suất của 4 “ông lớn” ngân hàng này đã khá tương đương nhau, chỉ có ...

Thùy Linh (T/H)