Một cổ phiếu của doanh nghiệp xi măng rơi vào diện cảnh báo do lỗ nặng

Cập nhật: 12:21 | 16/03/2024 Theo dõi KTCK trên

Kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu HVX của Công ty CP Vicem Hải Vân rơi vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là âm 60,753 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vừa có thông báo về việc đưa cổ phiếu HVX của Công ty CP Vicem Hải Vân vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/3/2024 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 là âm 60,753 tỷ đồng.

Một cổ phiếu của doanh nghiệp xi măng rơi vào diện cảnh báo do lỗ nặng
Quyết định đưa cổ phiếu HVX vào diện cảnh báo

Theo HoSE, đây thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niên yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Theo tìm hiểu, Xi măng Vicem Hải Vân được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty xi măng Hải Vân) theo Quyết định số 367/QĐ-BXD ngày 9/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại số 65 Nguyễn Văn Cừ, Phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vicem Hải Vân là ông Trần Việt Hồng. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là sản xuất xi măng, vôi và thạch cao.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn điều lệ hơn 415,252 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Xi măng Việt Nam nắm giữ 75,75% vốn điều lệ, tương đương 314,557 tỷ đồng; còn lại các cổ đông khác nắm giữ 24,25% vốn điều lệ, tương ứng 100,694 tỷ đồng.

Xi măng Vicem Hải Vân kinh doanh ra sao?

Nhìn lại kết quả kinh doanh quý IV/2023 của Vicem Hải Vân cho thấy, công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 88 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Xét riêng về cơ cấu doanh thu, kết thúc quý IV/2023, doanh thu chủ yếu của Vicem Hải Vân đến từ gia công xi măng gần 61 tỷ đồng, chiếm 69% doanh thu, và giảm 40% so cùng kỳ; kế đến là doanh thu bán xi măng với 28 tỷ đồng, giảm 18%... Doanh thu hàng bán giảm khiến lợi nhuận gộp âm hơn 16 tỷ đồng.

Kết quả, Vicem Hải Vân báo lỗ sau thuế quý IV/2023 âm 29,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 248 triệu đồng. Đây cũng là quý Vicem Hải Vân kinh doanh ảm đạm nhất kể từ khi niêm yết trên HoSE năm 2010.

Giải trình về kết quả kinh doanh trên, Vicem Hải Vân cho biết, do nhu cầu thị trường xây dựng về xi măng trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên rất thấp trong quý IV/2023, khiến tổng doanh thu của doanh nghiệp chỉ đạt 56% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, chi phí cố định quý IV/2023 của Nhà máy xi măng Vạn Ninh dừng lò sản xuất clinker đưa về công ty hạch toán vào giá vốn 27,8 tỷ đồng (gồm có chi phí khấu hao tài sản cố định, tiền lương, các khoản nộp bảo hiểm xã hội, y tế, chi phí cố định khác). Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng nhẹ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2022 đã “bào mòn” lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trước khi lỗ nặng trong quý IV/2023, Vicem Hải Vân cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong các kỳ báo cáo gần đây. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Vicem Hải Vân ở quý III/2023 và quý II/2023 lần lượt là âm gần 16 tỷ đồng và âm hơn 18,6 tỷ đồng. Công ty cho biết, do sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng ở mức cao; trong khi giá bán xi măng giảm khiến lợi nhuận giảm.

Lũy kế cả năm 2023, Vicem Hải Vân ghi nhận doanh thu thuần gần 512 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước; lỗ sau thuế ở mức hơn 64 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là năm Vicem Hải Vân lỗ nặng nhất kể từ 2010.

Bên kia bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 31/12/2023, Vicem Hải Vân có tổng tài sản ghi nhận hơn 686 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm, chiếm chủ yếu là tài sản dài hạn với hơn 524 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm 57% về còn 7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 35,6 tỷ đồng, giảm 22%. Hàng tồn kho ghi nhận ở mức 107 tỷ đồng, giảm 16%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 4,4 tỷ đồng...

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Vicem Hải Vân tại ngày 31/12/2023 ở mức gần 317 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 311 tỷ đồng. Vicem Hải Vân cũng ghi nhận khoản vay nợ tài chính ngắn hạn với hơn 126 tỷ đồng, tăng 9% đầu năm và không ghi nhận khoản vay dài hạn. Kết thúc năm 2023, Vicem Hải Vân có vốn chủ sở hữu đạt 369,5 tỷ đồng và ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gần 61 tỷ đồng.

Dự báo thị trường ngành xi mặng sẽ ấm dần lên

Bước sang năm 2024, đặc biệt, ngành xi măng đang đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công bởi từ những tháng cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, Chính phủ đã và đang quyết liệt đưa ra nhiều chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai, cùng việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang nỗ lực mở rộng thị trường, chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Australia, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phát huy tiềm năng của ngành với tổng công suất thiết kế có thể lên tới 120 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một số nước nhập khẩu xi măng, clinker của Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại. Trong đó, Philippines là thị trường nhập khẩu lớn nhất nhưng lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam. Hơn nữa, châu Âu là thị trường khó tính với việc thực hiện cơ chế giảm phát thải carbon. Vì thế, việc mở rộng thị trường là cần thiết dù sản lượng chưa nhiều, nên các doanh nghiệp phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại. Tín hiệu tích cực là một số doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ - thị trường có tiêu chuẩn cao và khó tính.

Theo dự báo về triển vọng của ngành xi măng trong năm 2024, Công ty chứng khoán SSI cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng dự kiến sắp phục hồi,chạm đáy trong quý 1/2024 và dần phục hồi trong năm 2024.

Theo đó, trong quý I/2024, dự báo mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ ở mức thấp kể từ quý 3/2021 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch Covid), do các yếu tố mùa vụ (nghỉ Tết Nguyên đán) và nhu cầu vẫn ở mức yếu.

Nhưng sang quý II/2024, kỳ vọng sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn (như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.

Cổ phiếu xi măng ngược dòng tăng mạnh

Trong khoảng thời gian gần đây, cổ phiếu nhóm năng lượng, nguyên liệu tăng giá mạnh theo giá cả nhiều loại hàng hóa trên thế ...

Họa vô đơn chí: Vừa bị thu hồi khu đất gần 7.300 m2, Vicem Hải Vân (HVX) bị phạt và truy thu thuế hơn 3,6 tỷ đồng

Mới đây, Cục Thuế TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 4383/QĐ-CTDAN về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối ...

Lịch cổ tức đầu tháng 8/2021: 15 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức, OCB chuẩn bị tăng vốn

Sự kiện cổ tức tuần đầu tháng 8 (từ 2/8 đến 6/8/2021) ghi nhận nhiều doanh nghiệp niêm yết thông báo ngày giao dịch không ...

Tiểu Vy