Phát hiện của nhà địa chất học Stephen E.Haggerty

Theo tạp chí Science, vào năm 2015, nhà địa chất học Stephen E.Haggerty của Đại học Quốc tế Florida trong một lần đi tìm kiếm đá kimberlite - một loại đá núi lửa đôi khi chứa kim cương, đã phát hiện ra loài cây chỉ mọc trên những vùng đất có chứa loại đá này. Đây là kiểu đá núi lửa có trong vỏ Trái Đất và là nguồn khai thác kim cương hiện nay.

Nhà khoa học này đã để ý rằng, trên bề mặt những nơi ông đào được kimberlite luôn thấy sự có mặt của một loài cây đặc biệt. Điều này giúp ông nhanh chóng tìm ra những địa điểm khác để tiếp tục khai thác kim cương. Phát hiện này của ông đã được công bố trong một ấn bản của tạp chí Economic Geography.

Loài cây kỳ diệu đó là cây cọ Pandanus (tên khoa học là Pandanus candelabrum) thường mọc ở Liberia, Tây Phi. Pandanus candelabrum là một loài thực vật có hoa thuộc họ Dứa dại.

Hình ảnh mô tả Cây cọ Pandanus candelabrum. Ảnh: Pixta
Hình ảnh mô tả Cây cọ Pandanus candelabrum. Ảnh: Pixta

Đặc điểm của loài cây Pandanus

Cây Pandanus candelabrum có lá trông giống như lá cọ nên rất dễ phân biệt với các thực vật khác trong rừng. Loài cây này có lớp vỏ gai góc và có thể cao từ 1 đến 20 mét. Nó thường xuất hiện tại các khu vực có khí hậu nhiệt đới và trên một số đảo ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Đặc biệt, ở dưới mỗi gốc cây Pandanus là một hỗn hợp đất màu mỡ có chứa nhiều loại khoáng chất. Do đó, loài cây này thường phát triển trên đất có chứa kim cương. Bên cạnh nhân tố đáng chú ý nhất là kim cương, vùng đất để cọ Pandanus có thể sinh tồn còn chứa tàn tích từ các vụ phun trào núi lửa, kali, magie hay photpho - những chất dinh dưỡng "hảo hạng" mà không phải loài cây nào cũng được hấp thụ đầy đủ. Hơn nữa, đây cũng là những khoáng chất có dồi dào trong đất chứa kimberlite.

Phát hiện trên là bước tiến quan trọng

Theo Gizmodo, Pandanus candelabrum là loài cây đầu tiên có thể giúp tìm ra kim cương. Việc phát hiện ra đặc tính của loài cọ Pandanus sẽ là bước tiến quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành khai thác kim cương, đặc biệt là các nước khu vực Tây và Nam Phi. Quá trình này được gọi là địa học thực vật (Geobotanical prospecting).

Việc tìm thấy cọ Pandanus cũng như sự tồn tại của loài cây này có thể giúp giảm thiểu chi phí khai khoáng, và tổn thất môi trường trong quá trình dò tìm quặng kim cương cũng được giảm theo. Phát hiện này còn hỗ trợ nghiên cứu về nhiệt độ và áp suất của vỏ Trái Đất cách đây 150 triệu năm về trước, giai đoạn xảy ra một sự rạn nứt giữa Châu Phi và Nam Mỹ để tạo ra Đại Tây Dương.

Với kích thước không quá lớn, cọ Pandanus thường bị che khuất và gây ra nhiều những khó khăn cho các nhà khai thác kim cương. Ảnh: Pixabay
Với kích thước không quá lớn, cọ Pandanus thường bị che khuất và gây khó khăn cho các nhà khai thác kim cương. Ảnh: Pixabay

Tuy nhiên, các bụi cọ Pandanus thường mọc xen lẫn với nhiều loại cây cổ thụ trong các khu rừng nhiệt đới. Với kích thước không quá lớn, cọ Pandanus thường bị che khuất và gây ra nhiều khó khăn cho các nhà khai thác kim cương.

Cho đến nay, giới khoa học chưa công nhận thêm loài cây nào có khả năng “chỉ báo” kim cương như cây cọ Pandanus candelabrum.