Ngày 24/4, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng để làm cơ sở, xem xét, sửa đổi Nghị quyết 119.

Vừa qua, Bộ chính trị đã nghe Ban Kinh tế Trung ương và TP. Đà Nẵng báo cáo kết quả. Bộ Chính trị đã thảo luận và đánh giá rất cao quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của TP. Đà Nẵng, bước đầu ghi nhận những kết quả.

Bộ Chính trị cũng đánh giá điều kiện, không gian, dư địa phát triển của Đà Nẵng sau một thời gian phát triển khi tách từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hiện nay các dư địa cũng như nguồn lực, động lực cho sự phát triển đang bị hạn chế, cần có những động lực mới, những định hướng mới cho việc đó.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 43. Trong đó, cho phép Đà Nẵng chính thức thực hiện chính quyền đô thị và kèm theo đó có một số cơ chế để đảm bảo cho mô hình chính quyền đô thị này, để tổ chức triển khai có hiệu quả.

“Cùng với Hà Nội và TP. HCM, nếu tới đây Quốc hội thông qua, chúng ta có mô hình chính quyền đô thị cấp quận, phường không có HĐND và bộ máy được tinh gọn hơn”, ông Quảng nói thêm.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng cho ý kiến và kết luận cần phải tìm động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng với việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể hơn.

Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022: Quy hoạch mở “đường băng” phát triển

TP. Đà Nẵng

“Đà Nẵng chúng ta được Trung ương, Bộ Chính trị xác định cái gì cũng là trung tâm, trung tâm của các lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu bây giờ thành phố triển khai tất cả các mục tiêu này thì rất khó để thực hiện. Bộ Chính trị đề nghị xác định rõ một số trọng tâm, trọng điểm. Trong đó có cho phép Đà Nẵng triển khai thí điểm việc hình thành khu thương mại tự do. Đây là một điểm rất mới mà hiện nay cả nước chưa có một địa phương nào thực hiện. Nếu chúng ta thực hiện thành công thì sẽ tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.

Theo Bí thư Đà Nẵng, Bộ Chính trị cũng cho phép xây dựng các cơ chế chính sách để phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm khoa học công nghệ cao của cả nước và trước mắt tập trung vào một số ngành mới nổi như công nghiệp chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, một ngành và lĩnh vực đang có ưu thế thu hút nhà đầu tư lớn vào thành phố; cho chủ trương để hình thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và một số ngành, lĩnh vực khác.

Theo đề xuất của Đà Nẵng, khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng thực hiện các hoạt động chế xuất, logistics, thương mại - dịch vụ, kinh doanh hàng miễn thuế; là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư và được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực phát triển đột phá cho thành phố. Đây là một điểm rất mới mà hiện nay cả nước chưa có một địa phương nào thực hiện.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng quyết định chủ trương đầu tư và thành lập khu thương mại Đà Nẵng, có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đối với khu vực khu thương mại tự do theo quy hoạch thành phố đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, đồng thời tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư để xây dựng khu thương mại tự do.

Nhà đầu tư được lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu thương mại tự do được giao đất, cho thuê đất và cho thuê lại đất tương tự như đối với khu kinh tế hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách của khu thương mại tự do TP. Đà Nẵng theo nguyên tắc đơn giản, thuận tiện, bảo đảm cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu quản lý.

Với sự phát triển mạnh mẽ, đô thị hiện đại, văn minh, Đà Nẵng là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đà Nẵng cũng được mệnh danh là "Thành phố đáng sống nhất Việt Nam".