Hoàn thành 87% mục tiêu lãi ròng chỉ sau 1 quý, vì sao cổ phiếu Mía đường Sơn La (SLS) "không còn ngọt"?

Cập nhật: 09:52 | 08/11/2023 Theo dõi KTCK trên

Công ty CP Mía đường Sơn La (HNX: SLS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, niên độ 1/7/2023 - 30/9/2023 với lợi nhuận tăng trưởng hơn 47% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, cổ phiếu SLS vẫn giảm mạnh trong chu kỳ tăng trưởng tốt của doanh nghiệp này.

Kết thúc ngày 30/9/2023, Mía đường Sơn La ghi nhận 430 tỷ đồng doanh thu, tăng 89 tỷ đồng, tương ứng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán đạt 295 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Như vậy, lợi nhuận gộp SLS đạt 135 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng với cùng kỳ năm 2022, tương đương 24%.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng ghi nhận giảm nhẹ, đạt 2,1 và 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9% đạt mức 13 tỷ đồng. Như vậy, Mía đường Sơn La báo lợi nhuận sau thuế (LNST) thu về đạt 119 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ niên độ 2022/2023.

Lợi nhuận tăng gấp 3 lần cùng kỳ, do đâu cổ phiếu SLS không còn "ngọt"?
Báo cáo tài chính quý 1/2024, Mía đường Sơn La (HNX: SLS).

Trong niên độ 2023/2024, doanh nghiệp đường đặt mục tiêu kinh doanh ở mức thận trọng với dự kiến doanh thu thuần là 1.045,5 tỷ đồng và lãi ròng là 137 tỷ đồng, lần lượt giảm 39% và 74% so với mức nền cao kỷ lục của niên độ 2022/2023, do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ tác động nghiêm trọng đến vùng mía nguyên liệu.

Với kết quả kinh doanh khả quan, doanh nghiệp hiện đã hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu thuần và 87% mục tiêu lãi ròng cả niên độ 2023/2024 chỉ trong quý đầu tiên.

Tại sao SLS đang kém "ngọt" trước giới nhà đầu tư?

Đầu tiên phải kể tới lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Tính hết ngày 30/9, danh mục tồn kho SLS đạt 76 tỷ đồng, tức giảm xấp xỉ 250 tỷ sau một quý. Đây là mức tồn kho thấp của doanh nghiệp này trong nhiều năm trở lại. Tồn kho ở mức thấp sẽ tạo ra tâm lý lo ngại SLS sẽ không có hàng để bán trong kỳ kinh doanh tới, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp. Lý giải cho lượng hàng tồn kho thấp, giá đường đang ở ngưỡng cao, biến động mạnh nên SLS rất dễ gặp rủi ro trong việc nhập hàng bên ngoài.

Ngoài ra, SLS đang phát sinh nhiều khoản phải thu với các công ty liên quan đến lãnh đạo và người nhà như Đường Kon Tum (KTS), Nam Phương Hà Tiên, Kim Hà Việt, Mía đường Tuy Hoà, Mía đường Trà Vinh,…

Tính tới hết tháng 9, tổng tài sản của Mía đường Sơn La ở mức 1.443 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho giảm 77% so với đầu năm còn 76 tỷ; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 19% lên 351 tỷ đồng; tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn hơn 463 tỷ - gấp 4,3 lần so với đầu niên độ. Trong khi đó, dư nợ tài chính chỉ ở mức 36 tỷ đồng với toàn bộ là vay ngắn hạn.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SLS đã có thời điểm đi ngang vùng đỉnh lịch sử hơn 200.000 đồng, sau đó bất ngờ “trượt chân” giảm mạnh từ giữa tháng 10. Khoảng sau 3 tuần, SLS đã tuột dốc, có thời điểm chỉ đạt khoảng 145.000 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4. Đặc biệt, trong phiên 20/10, cổ phiếu này đã "nằm sàn" tới 9,9%, về vùng 187.400 đồng.

Tính đến thời điểm chốt phiên 7/11, cổ phiếu SLS đang phục hồi trở lại trong vùng 158.000 đồng, tương ứng tăng 0,4% so với cùng ngày. So với ngày lập đỉnh năm nay (30/8/2023), SLS còn cách xa hơn 22% giá trị. Khối lượng giao dịch trung bình đạt hơn 1 triệu đơn vị/ phiên.

Nhìn trên góc độ kỹ thuật, cổ phiếu SLS đang trong vùng giảm giá tại phiên đầu tuần và được dự báo sẽ tiếp tục ở vùng giảm và tăng lên vùng tích lũy trong 3 - 5 phiên sắp tới. Chỉ số lãi trên cổ phiếu đạt 57.310 điểm. Chỉ số PE đạt 20,95 điểm.

Ở diễn biến liên quan, ngày 24/10 vừa qua, SLS đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức bằng tiền niên độ 2022/2023 tỷ lệ 150% (1 cổ phiếu nhận 15.000 đồng/cp). Thời gian thực hiện là 14/11; số tiền dự chi là 147 tỷ. Phương án này được thông qua trong bối cảnh niên độ 2022/2023, công ty đạt doanh thu 1.676 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 523 tỷ đồng, lần lượt tăng 93% và 179% so với cùng kỳ và là các mức kỷ lục.

Diễn biến giá đường trên thị trường

Theo thống kê từ Trading Economics, giá đường thô thế giới ngày 7/11/2023 đạt 27,59 US cent/pound, tăng 102% so với thời điểm lập đỉnh ngày 27/4/2023. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành đường trong nước, đây cũng là động lực giúp các cổ phiếu ngành mía đường như SBT, LSS, QNS,...

Nhìn vào thực tế, dù được đánh giá có hưởng lợi từ xu hướng của giá đường tăng cao nhưng ngành mía đường của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhận định về niên độ 2023/2024, Mía đường Sơn La đã lên kế hoạch những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía.

Hiện tượng El-Nino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng trên miền Bắc kéo dài tới cuối năm, gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.

Thêm nữa, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu mía ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,… Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất đường trong các quý tới qua đó làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư.

DowJones tiếp tục duy trì sắc xanh, thị trường tài chính toàn cấu bắt đầu phân hóa

Trong phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ tiếp tục duy trì sắc xanh trong khi thị trường tài chính châu Âu bắt đầu ...

Dòng tiền "cá mập" liên tục tháo chạy, VN-Index khó tiến tới vùng 1.100 điểm

Kết thúc ngày giao dịch thứ Ba (7/11), đà bán phủ khắp thị trường đã tạo áp lực và đẩy VN-Index về vùng 1.080 điểm. ...

Khối ngoại quay xe bán ròng, MWG trở lại "hở room" nặng

Đóng cửa phiên giao dịch thứ Ba(7/11), khối ngoại "quay xe" bán ròng trên toàn thị trường với tổng giá trị đạt 216,25 tỷ đồng, ...

Mộng Diệp