CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - UPCoM: MCH) đặt kế hoạch năm 2024 mang về doanh thu 31.500 - 34.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.300 - 7.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,5% - 22,2% và 1,5% - 4,2% so với thực hiện năm 2023.

Khoản lợi nhuận sau thuế 7.194 tỷ đồng năm 2023, Masan Consumer đã dùng 3.224 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức bằng tiền vào tháng 8/2023, tỷ lệ 45% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 4.500 đồng cổ tức).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lên kế hoạch trả cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 100% (10.000 đồng/cp). Như vậy, sắp tới MCH sẽ tiếp tục trả cổ tức 5.500 đồng/cp cho cổ đông (tỷ lệ 55%). Với hơn 717,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền cần dùng là 3.946 tỷ đồng.

Được biết, tại ngày 31/12/2023, lợi nhuận lũy kế chưa phân phối của Masan Consumer là 16.124 tỷ đồng.

‘Gà đẻ trứng vàng’ của Masan (MSN) chi hơn 7.000 tỷ đồng trả cổ tức, lên lịch chuyển nhà sang HoSE
Một số sản phẩm của Masan Consumer (Ảnh minh họa)

Ngoài phương án chia cổ tức, MCH lên kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE. Hiện tại, doanh nghiệp đang lựa chọn thời điểm, tổ chức thực hiện tất cả các thủ tục và ký kết các giấy tờ liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE).

Masan Consumer thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), MSN đang sở hữu 68,3% cổ phần MCH thông qua các công ty con. Masan Consumer hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm, đồ uống với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Chin-Su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake-up Cà phê, B’fast, Vĩnh Hảo, Vivant, Wake-up 247, Compact, Heo Cao Bồi, Ponnie, Red Ruby, Sư tử trắng, Joins, Homey…

Kết phiên ngày 19/4, MCH có vốn hóa 100.092 tỷ đồng. Nếu chuyển sàn thành công, vốn hóa MCH trên HoSE có thể vượt nhiều công ty trong nhóm VN30 như Sabeco (67.345 tỷ đồng), Thế Giới Di Động (70.480 tỷ đồng), Becamex IDC (53.406 tỷ đồng),...Thậm chí, vốn hóa vượt cả công ty mẹ là Tập đoàn Masan (95.151 tỷ đồng).