Dược liệu Việt Nam (DVM): Thị giá "nằm bất động" trong ngày thứ 2 trên sàn HNX

Cập nhật: 15:40 | 20/07/2022 Theo dõi KTCK trên

Trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 19/07, cổ phiếu DVM của CTCP Dược liệu Việt Nam (Vietmec) giao dịch khá sôi động. Đã có gần 578.600 cổ phiếu DVM được chuyển nhượng, nằm trong top 20 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên sàn HNX xét về khối lượng giao dịch.

Ngày 19/07/2022, 35,65 triệu cổ phiếu DVM của CTCP Dược liệu Việt Nam (Vietmec) đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá tham chiếu chào sàn là 18.000 đồng/cp, biên độ dao động giá trong phiên giao dịch đầu tiên là +/- 30%. Giá trị vốn hóa thị trường thời điểm chào sàn tương ứng gần 642 tỷ đồng.

Dược liệu Việt Nam (DVM): Thị giá
Dược liệu Việt Nam (DVM) chính thức chào sàn HNX với 15,65 triệu cổ phiếu

Ngay trong phiên giao dịch ngày 19/07, “tân binh” sàn HNX giao dịch khá sôi động. Đã có gần 578.600 cổ phiếu được chuyển nhượng, nằm trong top 20 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên sàn HNX xét về khối lượng giao dịch.

Tuy nhiên, bước sang ngày giao dịch thứ 2 trên sàn HNX, cổ phiếu DVM diễn biến khá trầm lắng và "nằm bất động" khi đóng cửa ở mức tham chiếu với khối lượng giao dịch chỉ đạt 240.931 đơn vị.

Dược liệu Việt Nam (Vietmec) là công ty thứ tư niêm yết trên sàn HNX từ đầu năm đến nay. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu DVM tham gia thị trường chứng khoán giúp tăng sự lựa chọn cho nhà đầu tư trên thị trường, đồng thời, đánh dấu mốc trong quãng đường phát triển của Vietmec.

Ông Trần Bình Duyên, Chủ tịch HĐQT DVM cho biết, việc niêm yết trên sàn chứng khoán là bệ phóng cho hành trình mới trong chiến lược phát triển của công ty nhằm đẩy mạnh hoạt động theo thông lệ tốt nhất, công khai hóa, minh bạch hóa, gia tăng hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho các cổ đông thực hiện các quyền của mình theo quy định của pháp luật.

Sự kiện đánh dấu việc DVM bước vào đội ngũ các doanh nghiệp có năng lực và nghiêm túc phát triển, góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đây cũng là động lực giúp công ty tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, thúc đẩy lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Lãnh đạo công ty cũng cam kết tuân thủ các quy định về niêm yết tại HNX, Luật Chứng khoán với mục tiêu đưa cổ phiếu DVM đứng vững và tạo những ảnh hưởng tích cực đối với thị trường chứng khoán, đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư.

"Không chỉ tạo được nền tảng kinh doanh vững chắc ở lĩnh vực hiện tại, DVM sẽ từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu của mình hơn nữa trên thương trường. Công ty cũng cam kết sẽ xây dựng nền móng cho các hoạt động kinh doanh bền vững, mang lại giá trị cao, lợi ích to lớn cho nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và cộng đồng xã hội trong tương lai", Chủ tịch HĐQT DVM nói.

Ngay trong phiên chào sàn, cổ phiếu DVM đã tăng mạnh, có thời điểm chạm trần cùng giao dịch khá sôi động. Sức hút của DVM được đánh giá đến từ chiến lược phát triển bền vững và kết quả của sự tăng trưởng bền vững từ giai đoạn 2018 đến nay.

Cuối năm 2018, Vietmec đã xây dựng nhà máy sản xuất với các dây truyền sản xuất khép kín, hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP – WHO và GMP-HS do Bộ Y tế Việt Nam cấp tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Hiện công ty đang sở hữu khá nhiều dây chuyền sản xuất dạng viên nang cứng, nang mềm, cốm, viên đặt, viên nén bao phim, siro, thuốc nước… đặc biệt là việc chiết xuất thành công các sản phẩm bột cao (dạng khô, đặc, lỏng) vẫn giữ nguyên hoạt chất quý giá từ nguồn dược liệu gốc, đảm bảo chuẩn hóa các tiêu chuẩn.

Hiện tại, Vietmec đang sở hữu nhà máy với nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại đạt chuẩn GMP-WHO và GMP-HS do Bộ Y tế Việt Nam cấp tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, như Dây chuyền sản xuất Vị thuốc YHCT, dây chuyền chiết xuất dược liệu theo công nghệ Nhật Bản, dây chuyền sản xuất viên nén, viên nang cứng, nang mềm, thuốc nước, cốm bột.

Với chiến lược phát triển bền vững, DVM đã và đang tập trung triển khai mở rộng các vùng trồng dược liệu với quy mô lớn từ Bắc vào Nam, đặc biệt tập trung tại các tỉnh có nguồn tài nguyên đất đai phù hợp như Phú Thọ, Lào Cai, Ba Vì (Hà Nội), Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng... theo tiêu chuẩn GACP – WHO, nhằm ổn định chất lượng dược liệu dùng cho sản xuất thuốc và tự chủ về nguồn cung dược liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong và ngoài nước còn có nhiều khó khăn do biến động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế, nhưng HĐQT VIETMEC vẫn tự tin đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh tăng trưởng so với năm 2021 với doanh thu trên 1.119 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế trên 65 tỷ đồng.

Cổ đông lớn DVM liên tục thoái vốn

Về cơ cấu cổ đông, trước thời điểm niêm yết lên sàn, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, cơ cấu cổ đông của DVM có sự thay đổi. Theo đó, ông Vũ Thành Trung, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc giảm tỷ lệ sở hữu từ 49,7% về chỉ còn 28,7% vốn điều lệ; ông Phan Quang Tùng giảm sở hữu từ 13,3% về chỉ còn 9,9% vốn điều lệ; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm sở hữu từ 9% về còn 2% vốn điều lệ; và còn lại nhóm cổ đông khác sở hữu tới 59,4% vốn điều lệ.

Cổ đông lớn của Dược liệu Việt Nam giảm sở hữu trong năm 2021 (Nguồn: BCTC năm 2021)
Cổ đông lớn DVM giảm sở hữu trong năm 2021 (Nguồn: BCTC năm 2021)

Như vậy, trước thời điểm niêm yết, trong năm 2021, Công ty đã tăng vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 270 tỷ đồng. Mặc dù vậy, việc các cổ đông lớn như ông Vũ Thành Trung và ông Phan Quang Tùng đều không thực hiện để đảm bảo tỷ lệ sở hữu, nên dẫn tới tỷ lệ sở hữu giảm xuống một cách đáng kể. Thêm nữa, cổ đông tổ chức là Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam lại bán ra cổ phiếu và giảm từ 1,35 triệu cổ phiếu về chỉ còn 0,54 triệu cổ phiếu, tương ứng bán ra 0,81 triệu cổ phiếu.

Mới đây, ngày 18/5/2022, Dược liệu Việt Nam cho biết vừa chào bán thành công 8,65 triệu cổ phiếu ra công chúng và chính thức trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu. Mặc dù vậy, Công ty không công bố chi tiết biến động cổ đông của Công ty như thế nào trước và sau đợt chào bán cổ phiếu lần này.

DVM tăng vốn thần tốc

Chỉ xét riêng từ năm 2019 tới nay, vốn điều lệ công ty đã tăng từ 50 tỷ đồng lên 356,5 tỷ đồng, tức bằng 7,13 lần thời điểm năm 2019. Như vậy, năm nào Công ty cũng thực hiện tăng vốn vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu.

Tuy nhiên, tính tới 31/12/2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ khiêm tốn 78,5 tỷ đồng, chiếm 7,6% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp chủ yếu sử dụng 523,8 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 50,7% tổng nguồn vốn.

Trong đó, các ngân hàng cho vay chủ yếu bao gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho vay ngắn hạn 228,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Chương Dương cho vay ngắn hạn 99,7 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội cho vay dài hạn 56,6 tỷ đồng…

Cơ cấu tài sản - nguồn vốn của Dược liệu Việt Nam. (Nguồn: BCTC)
Cơ cấu tài sản - nguồn vốn của Dược liệu Việt Nam. (Nguồn: BCTC)

Thêm nữa, nếu xét về khoản phải thu ngắn hạn, cơ cấu khoản phải thu có dấu hiệu “đẹp” hơn trước khi niêm yết. Cụ thể, thời điểm 31/12/2019, khoản phải thu ngắn hạn đạt 420,1 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng tài sản nhưng tới ngày 31/12/2021, khoản phải thu ngắn hạn chỉ còn 356,6 tỷ đồng (giảm 63,5 tỷ đồng) và chiếm 34,5% tổng tài sản. Như vậy, trước thời điểm niêm yết, tỷ trọng khoản phải thu ngắn hạn đã giảm mạnh, điều này giúp cơ cấu tài sản tốt hơn giai đoạn trước đó. Ngược lại, tỷ trọng tài sản cố định lại có dấu hiệu tăng trở lại trong 2 năm trở về đây.

Công ty có thuyết minh phải thu ngắn hạn chủ yếu trả trước cho B.Pharma Co.,Ltd 53,4 tỷ đồng; phải thu khách hàng 263,3 tỷ đồng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ (31,5 tỷ đồng), CTCP Thương mại và Dược phẩm Hoàng Lan (16,2 tỷ đồng), Công ty TNHH Dược Minh Tiến (14,1 tỷ đồng), CTCP Ecopha (13,8 tỷ đồng) …).

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Hóa An (DHA) “rớt nước mắt” vì cổ phiếu HPG

Đặt niềm tin vào cổ phiếu HPG, CTCP Hóa An (HOSE - Mã: DHA) nhận "cái kết đắng" khi lợi nhuận bốc hơi 92% ...

Cổ phiếu chứng khoán "khó trăm bề"

Vốn hóa thị trường của ngành chứng khoán đã bị "thổi bay" gần 200.000 tỷ đồng từ đầu năm. Nhóm cổ phiếu từng "làm mưa ...

Safoco (SAF) báo lãi quý 2 gần 12 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ

CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco (HNX: SAF) công bố BCTC quý 2/2022, ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2022 của SAF đạt hơn 192 ...

Quỳnh Nga

Tin cũ hơn
Xem thêm