Quy mô nhỏ, chỉ chiếm 30% thị phần

Ngày 28/4/2022, tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của dpanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ngành dịch vụ logistics là ngành quan trọng đối với nền kinh tế. Với vị trí địa lý đặc biệt nằm trong khi vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, Việt Nam được đánh giá là có thể mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy  mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, ngành logistics vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Một trong những hạn chế lớn là doanh nghiệp logistics vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của ngành.

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, hiện 90% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng lại chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

Thứ trưởng Bộ Công Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội thảo

Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng, giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp; về thủ tục của các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng… 

Chia sẻ tại hội thảo, bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc CTCP Vinafco chỉ ra, thị trường logistics Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng rất phân tán. Phân tán về quy mô, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, hiện 90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; phân tán về loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp logistics hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế cho sự phát triển của logistics chính là Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhất là so với một số nước trong khu vực Thái Lan, Singapore chi phí logistics đã giảm, điều này tạo rào cản cho năng lực cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam dao động từ 20,9-25% GDP.

Nâng cao năng lực, bắt kịp xu thế

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên. Đặc biệt, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ là 1 trong 6 nhóm nhiệm vụ chính mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.

Bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc bộ phận Vận chuyển Lazada Logistics Việt Nam cho rằng, kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững là năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành giao vận logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics cũng đang phải đối mặt với các thách thức lớn trong quy trình vận hành, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh.

Theo ông Trương Tấn Lộc, để nắm bắt cơ hội phát triển, cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics, như tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn, ICD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030.

Đối với nhóm các giải pháp hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần xây dựng cơ chế phát triển logistics xanh theo định hướng cắt giảm ty trọng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên 1km vận tải; Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp về việc giảm các loại thuế; Xem xét điều chỉnh Thông tư số 01/2019/TT-BCT về quy định cửa nhập khẩu phế liệu cho mặt hàng giấy…

Bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc CTCP Vinafco cho rằng, các xu thế của thị trường logistics mang đến nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị họa; doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp; kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị phát triển và vận hành logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động như đơn vị sản xuất, kho vận, 3PLs, vận chuyển; khuyến khích đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam…