Đề xuất tách UBCKNN khỏi Bộ Tài chính: Nên chọn thời điểm chín muồi

Cập nhật: 09:17 | 03/04/2019 Theo dõi KTCK trên

Nhiều chuyên gia kinh tế, cựu quan chức cùng lên tiếng trước đề xuất tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính.

Tại phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào chiều qua (2/4), nhiều chuyên gia kinh tế, cán bộ tiền nhiệm đã cho ý kiến về đề xuất tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra khỏi Bộ Tài chính.

Không tách, có biến, liệu có xử lý kịp không?

Phát biểu tại phiên họp, ông Tô Mạnh Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của Văn phòng Chính Phủ nêu vấn đề: Nếu UBCKNN không độc lập thì khi thị trường chứng khoán (TTCK) xảy ra bất thường như năm 2008, liệu có xử lý kịp không?

“Các anh cứ nhớ lại xem, năm 2008, cả xã hội gào lên cứu TTCK. Khi đó, Văn phòng Chính phủ phải tổ chức cuộc họp bàn để cứu chứng khoán.

Lịch sử đã qua, ta không nói câu chuyện sai đúng nữa. Giờ phải thấy được vấn đề là thị trường cần, nhu cầu cần tách UBCKNN ra khỏi Bộ. Nếu chúng ta làm tốt, không việc gì phải sợ dư luận xấu. Miễn là mở ra độc lập mà hiệu quả thì làm và tôi nghĩ việc đó không có gì khó cả miễn đủ chín muồi”.

de xuat tach ubcknn khoi bo tai chinh nen chon thoi diem chin muoi
Nhiều chuyên gia kinh tế, cán bộ tiền nhiệm ủng hộ đề xuất tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) Nguyễn Thanh Kỳ cho hay Hiệp hội ủng hộ đề xuất tách UBCKNN ra khỏi Bộ.

“Nên quy định vào luật rõ ràng vai trò và vị thế của UBCKNN. UBCKNN cần có đủ thẩm quyền và quyền lực để thực hiện nhiệm vụ trong đó có một số quyền như quyền quản lý, giám sát toàn bộ các tổ chức định chế tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán, có thẩm quyền điều tra, khởi tố…”, ông nhấn mạnh.

Nên chọn thời điểm chín muồi

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khẳng định: “Nếu mà làm được bây giờ thì tuyệt vời dù sẽ phải thay đổi rất nhiều nội dung trong luật”. Ông cho hay ông ủng hộ phương án làm tới luôn với 3 lý do: Một là theo thông lệ quốc tế, khá ít nước UBCKNN thuộc Bộ Tài chính vì như thế rất chung chiêng. UBCKNN cần phải được cấp phép, thu hồi phép và quyết định về mặt tổ chức nhân sự, dự toán ngân sách…cho đơn vị mình.

Thứ hai là chúng ta đang muốn bớt đi khâu trung gian. Nếu giữ nguyên cũng chả sao cả nhưng trung gian nhiều quá nhất là sắp tới chúng ta theo mô hình mới.

Cuối cùng, tách ra là phù hợp với yêu cầu công việc hiện nay và sắp tới. Hiện có khá nhiều vụ việc xảy ra trên sàn chứng khoán, nếu không tăng tính độc lập cho UBCKNN thì việc phạt, xử, các quyết định của chúng ta sẽ rất chậm trễ. Chưa kể quy mô thị trường đang ngày càng lớn hơn, các hoạt động cũng phức tạp hơn…

Khi được hỏi về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Liên, Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhớ lại vào năm 2006, từng có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính quản lý tài chính công còn UBCKNN quản lý tài chính tư. Nếu đưa hai cái vào với nhau thì sẽ phát sinh một số mâu thuẫn. Quan trọng hơn nữa là hiệu lực quản lý nhà nước không cao.

“Tuy nhiên khi đó thị trường chưa phát triển nên đưa UBCKNN về Bộ Tài chính để hỗ trợ thị trường phát triển và lúc đó đúng là Bộ Tài chính có sự hỗ trợ rất lớn với UBCKNN.

Còn bây giờ chúng ta đã ở một tình thế khác, nếu cứ gộp UBCKNN vào Bộ thì tốc độ ban hành văn bản rất chậm, hiệu lực quản lý kém. Ngay cả việc thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm…cũng phải báo cáo mới được làm thì không có hiệu quả như mong muốn.

Tôi cho rằng khi thị trường đã phát triển đến quy mô như hiện tại và sau này thì chắc chắn nếu giữ nguyên sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Vì lợi ích chung của nền kinh tế và để thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta nên tách UBCKNN ra thành cơ quan độc lập theo đúng chuẩn mực quốc tế bởi trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài, hiệu lực quản lý rất quan trọng”, bà Kim Liên khẳng định.

Còn ông Vũ Bằng, Nguyên Chủ tịch UBCKNN thừa nhận quá trình nhập vào Bộ là rất tốt trong giai đoạn đó. Bộ đã hỗ trợ Ủy ban về cả cơ sở vật chất, tài chính, thuế… giúp thị trường có bước phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Bằng cho hay Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) từng không cho UBCKNN kí biên bản ghi nhớ đa phương do không đáp ứng đủ điều kiện.

“Thậm chí thời kì đó họ nói nếu đến cuối năm Ủy ban không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ cho vào danh sách đen. Trong tương lai quy mô TTCK sẽ rất lớn. Nếu mở rộng thị trường thì khả năng huy động vốn sẽ tốt hơn vì ngân hàng bắt đầu thắt vốn dài hạn vào bất động sản. Vì vậy, chúng ta cần củng cố vai trò của cơ quan quản lý.

Về dài hạn phải tách ra, nhưng vào thời điểm nào cần cân nhắc. Trước mắt nên tăng tính chủ động, thẩm quyền quản lý, giám sát của UBCKNN và tốt nhất nên cụ thể hóa trong Luật”, ông nói thêm.

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến đại biểu tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 tới; sau đó sẽ tiếp tục xin ý kiến và sẽ có phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra chính thức dự án Luật này trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Kiều Vui