Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) lập đỉnh mới, cổ đông Thái Lan "vớ bẫm" lì xì đầu năm

Cập nhật: 14:15 | 03/01/2024 Theo dõi KTCK trên

Tập đoàn SCG (Thái Lan) mua trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến hơn 4.500 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 1.700 tỷ đồng, chưa kể hơn 1.800 tỷ đồng cổ tức bằng tiền.

Cổ phiếu BMP của Công ty CP Nhựa Bình Minh đang nằm trong "câu lạc bộ" thị giá 6 chữ số trên sàn chứng khoán sau cú "vượt đỉnh" ngoạn mục phiên 22/12. Cổ phiếu này tăng kịch trần và lập đỉnh lịch sử mới tại vùng 109.000 đồng/cp trong phiên sáng 3/1/2024. Con số này đưa BMP lọt vào top 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE vượt qua VJC, FRT và chỉ sau VCF, RAL.

Tính từ đầu năm 2023, BMP đã tăng gấp đôi thị giá. Vốn hóa thị trường của Nhựa Bình Minh cũng theo đó tăng thêm tới 4.000 tỷ, lên mức xấp xỉ 8.200 tỷ đồng, qua đó củng cố vị trí số 1 cổ phiếu trong ngành Nhựa trên sàn chứng khoán.

Cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP) lập đỉnh mới, cổ đông Thái Lan
Cổ phiếu BMP kết thúc phiên sáng 03/01 dừng chân ở vùng 109.000 đồng/cp.

Trong bối cảnh cổ phiếu BMP tăng vọt, hưởng lợi nhất thuộc về Tập đoàn SCG đến từ Thái Lan khi doanh nghiệp này chi phối đến 55% vốn của Nhựa Bình Minh thông qua công ty con Nawaplastic. Tập đoàn này bắt đầu trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp đầu ngành Nhựa tại Việt Nam từ đầu tháng 3/2012 và không ngừng mua gom thêm BMP

Sau khi gom trọn lô cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, SCG đã chính thức thâu tóm thành công Nhựa Bình Minh. Tổng số tiền “đại gia” Thái Lan chi ra cho thương vụ này ước tính vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Đến nay, khoản đầu tư này của SCG đã có giá trị thị trường lên đến hơn 4.500 tỷ đồng, tương ứng khoản tạm lãi 1.700 tỷ đồng.

Không những thế, SCG Group còn “vớ bẫm” cổ tức từ Nhựa Bình Minh. Từ năm 2012 đến nay, chưa năm nào doanh nghiệp này quên chia cổ tức bằng tiền. Năm 2022, doanh nghiệp này dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức tỷ lệ 84% bằng tiền, trong đó cổ đông lớn Thái Lan bỏ túi 376 tỷ đồng. Đây cũng là mức cổ tức kỷ lục trong một năm của Nhựa Bình Minh.

Cách đây không lâu, vào ngày 12/12, Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 với tỷ lệ “khủng” lên đến 65% và SCG tiếp tục thu về 293 tỷ đồng. Ước tính, tổng số tiền cổ tức mà “đại gia” Thái Lan thu về từ khi trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Nhựa Bình Minh có thể lên kế hoạch trả cổ tức tiền mặt cho năm 2023 lên tới 120% (12.000 đồng/cp). Nếu dự báo này chính xác, cổ đông của Nhựa Bình Minh trong đó có SCG sẽ còn được nhận thêm đợt cổ tức “khủng” nữa, dự kiến trong năm 2024 sắp tới.

Nhận định này không phải không có cơ sở khi lũy kế 9 tháng năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh đã vượt xa con số đạt được trong cả năm ngoái và kế hoạch năm nay. Theo dự phóng của BVSC, doanh nghiệp này có thể lãi ròng đến 1.022 tỷ đồng năm 2023, tương ứng tăng trưởng 47% so với năm ngoái.

Cùng chiều, theo nghiên cứu mới nhất của SSI Research, tính chung cả năm 2023, Nhựa Bình Minh có thể ghi nhận doanh thu 4.700 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022, nhưng lãi ròng ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng tới 48% so với năm 2022. Đây sẽ là mức cao kỷ lục mới trong lịch sử 45 năm hoạt động của doanh nghiệp nhựa này.

Dư địa tăng trưởng nhờ giá nguyên liệu giảm

Kết thúc quý 3/2023, Nhựa Bình Minhghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 926 tỷ đồng và 209 tỷ đồng, lần lượt giảm 31% và 29% so với mức cao kỷ lục của quý 2/2023. Nguyên nhân chủ yếu do do nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường chung giảm từ 40% - 50% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, mùa mưa diễn ra trong quý 3/2023 tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng, theo ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh.

Dù vậy, điểm sáng là biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh trong quý 3/2023 vẫn được cải thiện lên mức 43%, so với mức 42,8% của quý 2/2023 và 28,3% trong quý 3/2022 nhờ giá nhựa PVC đầu vào giảm.

Trong quý 3/2023, giá nhựa PVC bình quân ở châu Á đạt khoảng 860 USD/tấn, tăng 8% so với quý 2/2023 nhưng giảm 17% so với quý 3/2022. Tính riêng tháng 12/2023, giá nhựa PVC giảm xuống còn 800 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 12/2022 và đi ngang so với tháng 11/2023. Điều này kỳ vọng sẽ giúp biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh đó, Nhựa Bình Minh đã thực hiện chương trình giảm giá vào nửa cuối quý 4/2023 với việc giảm giá bán khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022 nhằm khuyến khích các đại lý phân phối tích luỹ thêm sản phẩm.

Về triển vọng kinh doanh năm 2024, hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định xu hướng giảm của giá PVC có thể đã chạm đáy trong quý 3 - quý 4/2023 và có thể duy trì ở khoảng 800 USD/tấn.

Truy tìm "101 lý do" khiến cổ phiếu Viettel Post (VTP) liên tục phá đỉnh

Kết phiên giao dịch đầu năm 2024, cổ phiếu VTP của Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCom: VTP) tăng 2,82% lên vùng ...

Cổ phiếu OGC "tím lịm" sau khi được doanh nghiệp "bí ẩn" một tuần tuổi gom hàng trăm tỷ

Mở cửa phiên sáng 03/01/2024, cổ phiếu OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương tăng kịch trần 6,97% lên vùng giá 7.670 đồng/cp, ...

VN-Index tiếp tục giữ sắc xanh, nhóm penny bất ngờ hút tiền

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận trạng thái tích cực với đà tăng của nhóm cổ phiếu ...

Mộng Diệp

Tin liên quan