Cổ phiếu DDG nằm sàn 17 phiên liên tiếp, lãnh đạo cùng người thân ồ ạt thoái vốn

Cập nhật: 15:31 | 05/05/2023 Theo dõi KTCK trên

Đáng chú ý, động thái thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DDG đang gây chú ý với chuỗi lao dốc mạnh nhất trong lịch sử hoạt động...

Cổ phiếu DDG bất ngờ lao dốc, mất thanh khoản: Lịch sử của FTM cùng CDO có lặp lại?

Cổ phiếu "nằm sàn" 17 phiên liên tiếp

Mới đây, một loạt các lãnh đạo cùng người thân của Công ty CP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, HNX: DDG) đã liên tiếp đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 10/5-5/6/2023.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT 2 lần đăng ký bán cổ phiếu với số lượng lần lượt là 324.000 cổ phiếu và 908.000 cổ phiếu với lý do tài chính cá nhân. Nếu hoàn tất cả hai giao dịch trên, ông Quang sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ xuống 2,88 triệu cổ phiếu, tương đương 4,81% vốn DDG. Trước đó, vào ngày 27/4, ông Quang cũng bị Chứng khoán BSC bán giải chấp 91.000 cổ phiếu DDG.

Cổ phiếu DDG nằm sàn 17 phiên liên tiếp, lãnh đạo cùng người thân ồ ạt thoái vốn

Tương tự, bà Trần Kim Sa – Thành viên HDQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán thêm 498.500 cổ phiếu nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận/ khớp lệnh từ 10/5 đến 5/6. Nếu giao dịch thành công, bà Sa sẽ giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ còn 3,17 triệu cổ phiếu (~5,3% vốn). Trước đó, bà Sa cũng bị Chứng khoán BSC bán giải chấp lần lượt 107.500 nghìn cổ phiếu và 46.500 cổ phiếu.

Trong khi đó, ông Yang Tuấn Anh – Phụ trách quản trị công ty, đồng thời là con ruột bà Trần Kim Sa cũng đăng ký bán hơn 1 triệu cổ phiếu DDG trên tổng 2 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Bà Yang Kiều An – con ruột bà Trần Kim Sa cũng đăng ký bán sạch 476 nghìn cổ phiếu để giảm sở hữu về 0%.

Cùng chiều giao dịch, ông Trần Kim Cương – Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 500.000 cổ phiếu với lý do tài chính cá nhân. Ông Cương đồng thời là em trai bà Trần Kim Sa - Tổng Giám đốc công ty. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu nắm giữ của vị lãnh đạo này là 1,9 triệu cổ phiếu DDG, tương đương 3,28% vốn.

Bà Trần Ngọc Phụng - vợ ông Trần Kim Cương đăng ký bán toàn bộ 2,7 triệu cổ phiếu nắm giữ với lý do tương tự.

Đáng chú ý, động thái thoái vốn ồ ạt của lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DDG đang gây chú ý với chuỗi lao dốc mạnh nhất trong lịch sử hoạt động.

Tính đến hết phiên 5/5, cổ phiếu DDG đã ghi nhận phiên giảm sàn thứ 17 liên tiếp về 7.300 đồng. Khối lượng khớp lệnh lên đến hàng triệu đơn vị, song dư bán sàn chất hơn 21 triệu cổ phiếu, tương đương 35% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của công ty.

Cổ phiếu DDG nằm sàn 17 phiên liên tiếp, lãnh đạo cùng người thân ồ ạt thoái vốn
Thị giá DDG đã “bốc hơi” đến 83% giá trị, về mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này (Nguồn: TradingView)

Như vậy, chỉ sau hơn 2 tuần giao dịch, thị giá DDG đã “bốc hơi” đến 83% giá trị về mức thấp nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này. Giá trị vốn hoá bị thổi bay khoảng 2.035 tỷ đồng, chỉ còn vỏn vẹn 436 tỷ đồng.

Trên thực tế, từ sau khi lên sàn cuối năm 2018, DDG gần như chỉ tăng mà không có nhịp điều chỉnh nào thực sự đáng kể. Ngay cả trong giai đoạn thị trường chứng khoán liên tục gặp sóng gió trong năm 2022, cổ phiếu này vẫn âm thầm đi lên và liên tục lập đỉnh mới. Vì thế, cú trượt chân ngay vùng đỉnh lịch sử có thể phần nào gây bất ngờ cho giới đầu tư cũng như cổ đông.

Kết quả kinh doanh kém khả quan

Đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán, DDG có kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý I/2023. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Giá vốn gần như không biến động khiến lãi gộp chỉ thu về gần 12 tỷ đồng, giảm 55%. Biên lãi gộp thu hẹp từ 15% xuống còn 7.4%.

Kỳ này, doanh thu tài chính tăng vọt từ 4 triệu đồng lên hơn 540 triệu đồng, nhờ tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng được tiết giảm 23%.

Dù vậy, điểm trừ là chi phí bán hàng tăng đột biến từ 2 triệu đồng lên hơn 3 tỷ đồng, do phát sinh khoản chi phí khấu hao tài sản cố định.

Hệ quả, DDG chỉ lãi sau thuế gần 200 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi hàng quý thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Năm 2023, DDG đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu 1.080 tỷ đồng và lãi sau thuế 56,3 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 27% so với kết quả năm trước. Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch đang là thách thức lớn với Công ty.

Tính đến cuối quý I/2023, quy mô tổng tài sản của DDG giảm nhẹ 1% so với đầu năm, đạt hơn 1,828 tỷ đồng. Bên cạnh tài sản cố định chiếm phần lớn tổng tài sản (44% tỷ trọng), xếp sau là khoản phải thu ngắn hạn (hơn 640 tỷ đồng, giảm 5%), chi phí xây dựng dở dang (hơn 223 tỷ đồng, tăng 3%).

Riêng tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn gần 13 tỷ đồng - gần như đi ngang; tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn gần 56 tỷ đồng - tăng 60%; hàng tồn kho tăng nhẹ lên gần 36 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại thời điểm 31/03/2023 gần 1.050 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay với gần 940 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn gần 820 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

DDG tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Đông Thành được thành lập ngày 25/6/2010 vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Sau 2 lần tăng vốn vào tháng 9/2015 và tháng 9/2016 nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ của công ty được nâng lên mức 120 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2017, DDG trở thành công ty đại chúng và sau đó chính thức niêm yết 12 triệu cổ phiếu trên sàn HNX vào ngày 18/12/2018. Sau khi niêm yết, công ty đã liên tục có động thái tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 21% vào tháng 5/2020; phát hành riêng lẻ 14 triệu cổ phiếu vào tháng 7/2020; chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 vào tháng 10/2021; và ESOP 2,8 triệu cổ phiếu vào tháng 10/2022.

Kể từ khi thành lập đến nay, DDG đã có 5 lần tăng vốn, cập nhật tại tháng 2/2023 công ty này có số vốn điều lệ 598,2 tỷ đồng với 87,13% nằm trong tay các cổ đông cá nhân nhỏ lẻ và 12,87% vốn thuộc sở hữu của các cổ đông các nhân lớn, đó là Thành viên HĐQT Trần Kim Sa (6,39%) và Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Quang (6,48%). Liên tục tăng vốn sau hơn 5 năm lên sàn, thế nhưng DDG lại chưa một lần chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông dù kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán ngày 5/5/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Không quá lạc quan nhưng cũng không quá tiêu cực, cơ hội đang mở ra với TTCK Việt Nam

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam kỳ vọng sẽ sáng hơn trong thời gian tới và thị trường chứng khoán thường sẽ tăng điểm đón ...

Thủ tướng Luxembourg thăm và làm việc tại HOSE: Tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của TTCK Việt Nam

Tại buổi lễ, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel đã cảm ơn về sự quan tâm, đón tiếp, trao đổi, hợp tác của Lãnh đạo Chính ...

Nhật Hải