e magazine
Chuyển đổi số - Động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển mạnh mẽ

12:36 | 29/12/2022

Năm 2022 kết thúc với những sắc màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng. Từng chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi đại dịch, thành phố đã nhanh chóng hồi phục và lấy lại nhịp độ tăng trưởng. Chuyển đổi số được thực hiện quyết liệt ở các cấp, mọi lĩnh vực, trở thành động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển. Kinh tế Chứng khoán Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng về câu chuyện chuyển đổi số ở thành phố này.

Chuyển đổi số - Động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển mạnh mẽ

Năm 2022 kết thúc với những sắc màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế Đà Nẵng. Từng chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi đại dịch, thành phố đã nhanh chóng hồi phục và lấy lại nhịp độ tăng trưởng. Chuyển đổi số được thực hiện quyết liệt ở các cấp, mọi lĩnh vực, trở thành động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển. Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng về câu chuyện chuyển đổi số ở thành phố này.

Chuyển đổi số - Động lực phát triển của Đà Nẵng

- Đà Nẵng là địa phương thuộc top dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, ông có thể cho biết những thành quả quan trọng nhất mà Đà Nẵng đã đạt được, cũng như những bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số?

Ông Vũ Quang Hùng: Chuyển đổi số được Đà Nẵng xác định là động lực để tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, hướng đến xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số như liên tiếp tiếp xếp hạng Nhất về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, dẫn đầu cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Năm 2021, Đà Nẵng xếp hạng A về an toàn thông tin. Cùng năm 2021, Đà Nẵng thuộc Top 3 địa phương dẫn đầu về thương mại điện tử (chỉ sau TP.HCM và Hà Nội). Đặc biệt vào tháng 7/2022, UBND thành phố Đà Nẵng được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận là Cơ quan Nhà nước tiêu biểu thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đối số quốc gia tại Diễn đàn Top công nghiệp 4.0 Việt Nam.

Ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hà
Ông Vũ Quang Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Hà

Một trong những kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số giúp Đà Nẵng đứng đầu đứng đầu bảng xếp hạng DTI 2020 khối tỉnh/thành đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo Thành phố cùng quan điểm hạ tầng CNTT-TT đi trước một bước, triển khai các ứng dụng theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp với phương châm "Hiện diện khi cần" và "Hiệu chỉnh ngay khi góp ý"; kế thừa các kết quả của chính quyền điện tử; huy động sự tham gia của doanh nghiệp địa phương trong triển khai ứng dụng, làm chủ công nghệ; ban hành và triển khai kiến trúc chính quyền điện tử và kiến trúc thành phố thông minh.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài. Với quyết tâm đó, Đà Nẵng đã xác định rõ chuyển đổi số là "động lực" trong phát triển thành phố.

- Chuyển đổi số đã được triển khai như thế nào tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng?

Ban Quản lý đã ban hành Kế hoạch số 3166/KH-BQL ngày 28/10/2021 của Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng về việc triển khai chuyển đổi số của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Đến nay, đã triển khai các nội dung sau: - Xây dựng Hệ thống cơ sỡ dữ liệu chuyên ngành: Số hoá thông tin doanh nghiệp, thông tin dự án đầu tư, thông tin lao động; Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025: Công tác số hoá tạo cơ sở cho các dự án chuyển đổi số.

- Ứng dụng “Bản đồ số các doanh nghiệp tại Khu CNC và các KCN trên Google Maps cho doanh nghiệp” giúp hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều hành quản lý doanh nghiệp tại Ban Quản lý với các tính năng chính: Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, vị trí doanh nghiệp tại khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; Nhà đầu tư tìm kiếm nhà xưởng cho thuê; Nhà đầu tư tìm kiếm quỹ đất trống; Doanh nghiệp tự cập nhật thông tin giới thiệu, hình ảnh; Hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Phần mềm cảng điện tử ePort – Trọng tâm chuyển đổi số tại Cảng Đà Nẵng việc triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử
Phần mềm cảng điện tử ePort – Trọng tâm chuyển đổi số tại Cảng Đà Nẵng việc triển khai lệnh giao hàng điện tử, thông quan hải quan điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán điện tử

- Báo cáo trực tuyến: Thay đổi hình thức gửi Văn bản giấy để thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Quản lý đến các doanh nghiệp bằng phương thức gửi Văn bản điện tử ký số qua chức năng “Báo cáo trực tuyến”của Ứng dụng nêu trên; Doanh nghiệp thực hiện gửi Báo cáo trực tuyến đến Ban Quản lý nhằm tiết kiệm chi phí bưu điện, tổng hợp nhanh, chính xác...

- Hệ thống giám sát, điều khiển chiếu sáng thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng trên cơ sở công nghệ LoRa (Hệ thống IOT).

- Ban Quản lý triển khai 100% DVCTT mức 4, xây dựng API và đề xuất chia sẽ để dùng chung cho các Sở / ngành .

- Hiện nay Ban Quản lý đang tiến hành khảo sát công tác chuyển đổi số doanh nghiệp tại Khu CNC, khu CNTT tập trung và các KCN Đà Nẵng cũng như các đơn vị quản lý hạ tầng. Kết quả khảo sát là căn cứ thực tiễn quan trọng để đánh giá năng lực ứng dụng công nghệ số của cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ sở cho việc tổng hợp, báo cáo, đề xuất những giải pháp với UBND thành phố Đà Nẵng về sự hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp trong năm tiếp theo.

Tăng năng suất, tham gia vào kinh tế toàn cầu

- Từ góc độ quản lý, theo ông, điều gì là cốt lõi đối với các doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay?

Chuyển đổi số hứa hẹn sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hiệu quả và cải thiện các dịch vụ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và bền vững hơn cũng như nâng cao phúc lợi xã hội. Từ góc nhìn quản lý, điều cốt lõi đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số hiện nay theo tôi là để tăng năng suất lao động, tạo giá trị và hiệu quả sản xuất cao nhất, bên cạnh đó thông qua chuyển đổi số các doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, đổi mới, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường.

- Năm 2023, thành phố nói chung, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nói riêng cần làm những việc gì để phát huy những giá trị về chuyển đổi số trong năm 2022, để tạo nền tảng để đổi mới, phát triển bền vững?

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/6/2021 và UBND thành phố đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Đề án Chuyển đổi số thành phố đặt ra 11 nhóm với 130 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể - xác định chuyển đổi số là động lực mới và là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của thành phố, để mở ra không gian phát triển mới, cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.

Chuyển đổi số là động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch
Chuyển đổi số là động lực để Đà Nẵng hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch

Để triển khai chuyển đổi số thành công, thành phố cần bám sát Đề án Chuyển đổi số để thực hiện hằng năm, từng giai đoạn, có đánh giá, có tổng kết, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, giải pháp, tiếp cận và chuyển giao công nghệ.

Hiện nay các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã bắt đầu nhận thức Chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình để phát triển là nhiệm vụ sống còn, tuy nhiên khi thực hiện họ gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn nhân lực, nguồn vốn, kết nối hệ sinh thái hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số… Do vậy về phía Ban Quản lý, chúng tôi tìm kiếm các giải pháp (kết nối, xây dựng chính sách hỗ trợ từ thành phố, từ doanh nghiệp, từ các trường viện) để thúc đẩy các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp tham gia chuyển đổi số trong quản lý và sản xuất.

Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng là 23.578 tỷ đồng, đạt 120,1% dự toán. Trong đó, thu nội địa ở mức 18.348 tỷ đồng, đạt 121,4% dự toán, thu thuế xuất nhập khẩu là 5.201 tỷ đồng, đạt 115,6% dự toán. 7/7 quận, huyện của thành phố đều vượt số thu ngân sách được giao.

Tổng chi ngân sách địa phương (không kể chi chuyển nguồn) là 15.595 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán HĐND giao; trong đó chi đầu tư phát triển là 6.935 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán HĐND giao, chi thường xuyên là 8.658 tỷ đồng, đạt 111,5% dự toán HĐND giao.

Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố có 36.383 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 241.108 tỷ đồng; 363 dự án đầu tư trong nước ngoài KCN với tổng vốn đầu tư 140.819,95 tỷ đồng; có 386 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 30.461,8 tỷ đồng và có 946 dự án đã cấp với tổng vốn đăng ký 4,063 tỷ USD. Số doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động trong năm cũng tăng lên đáng kể với 2.146 doanh nghiệp, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Bài: Cao Thái