Yeah1 dừng phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dồn tiền mua lại 2 công ty con với định giá cao hơn giá sổ sách

Cập nhật: 08:34 | 12/12/2022 Theo dõi KTCK trên

Sau khi “thay tướng”, Yeah1 đã có hàng loạt quyết sách mới gây bất ngờ cho nhà đầu tư.

Yeah1 là công ty đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn
Yeah1 là công ty đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn.

Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG) vừa có văn bản gửi đến cổ đông để lấy ý kiến về một số nội dung dự kiến trình cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới. Thời gian tiến hành lấy ý kiến cổ đông được thực hiện từ ngày 9/12 - 20/12/2022.

Trong đó, Hội đồng quản trị của Yeah1 dự trình Đại hội đồng cổ đông không tiếp tục triển khai thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn điều lệ công ty với lý do phương án phát hành cổ phiếu không còn phù hợp với tình hình hiện tại của công ty và của thị trường.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 6/2022 đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ YEG. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành chào bán tại thời điểm đại hội là 78,6 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000/cp. Số tiền Yeah1 thu được từ đợt phát hành lên đến 786,4 tỷ đồng.

Công ty dự kiến dùng 469 tỷ đồng mua cổ phần Yeah1 Edigital, Truyền thông Công nghệ Netlink Việt Nam, Finbase, Dịch vụ Tư vấn Giải pháp đổi mới ICC VN, Saaspiens Việt Nam; 197,8 tỷ đồng đầu tư hạ tầng công nghệ công ty; 60,1 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Thương mại Giga1; 36,4 tỷ đồng trả nợ vay; và 23,1 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH Yeah1 Network Việt Nam.

Dù kế hoạch chào bán cổ phiếu có thể bị dừng lại nhưng Yeah1 vẫn trình cổ đông thông qua kế hoạch nhận chuyển nhượng cổ phần vốn góp Công ty TNHH Truyền thông Công nghệ Netlink Việt Nam và nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Yeah1 Edigital để hoàn thiện hệ sinh thái.

Đây là hai công ty con từng thuộc Yeah1 nhưng đã thoái toàn bộ vào cuối năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do Yeah1 cần giảm áp lực tài chính, bổ sung nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do hậu quả của đại dịch Covid-19. Dự kiến thời gian nhận chuyển nhượng vào quý 1/2023.

Theo kế hoạch gửi cổ đông, Yeah1 sẽ mua lại 7,3 triệu cổ phần Y1D từ bà Phạm Thị Minh Hằng và ông Nguyễn Anh Khoa với tổng giá trị nhận chuyển nhượng là 128,7 tỷ đồng, tương đương 35% vốn điều lệ tại Y1D.

Trong đó Yeah1 chi 119,5 tỷ mua lại toàn bộ 3,6 triệu cổ phần của bà Phạm Thị Minh Hằng, tương đương 32,5% vốn điều lệ và trả 9,1 tỷ mua lại 281.250 cổ phần từ ông Nguyễn Anh Khoa.

Bên cạnh đó, Yeah1 dự kiến nhận chuyển nhượng 35% vốn góp tại Netlink, với tổng giá trị 103 tỷ đồng. Được biết, Yeah1 được ủy quyền đàm phán đối tượng sở hữu phần vốn góp tại Netlink để thực hiện nhận chuyển nhượng.

Được biết, Công ty CP Yeah1 Edigital có vốn điều lệ 112,5 tỷ đồng, địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà Galleria, 258 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Quận 3. Công ty được thành lập năm 2012 và hoạt động chính là xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan.

Theo định giá Công ty TNHH Định giá SSB Việt Nam, giá trị sở hữu 100% Yeah1 Edigital đang là 382,98 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn chủ sở hữu tới 30/6/2022 là 175,5 tỷ đồng. Như vậy, giá trị định giá đang cao hơn giá trị sổ sách 207,48 tỷ đồng và bằng 2,18 lần giá trị sổ sách.

Còn Công ty TNHH Truyền thông Công nghệ Netlink Việt Nam được thành lập năm 2020, địa chỉ tại tầng 4, tòa nhà Star Tower, lô D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội và hoạt động chính là bán lẻ các loại hàng hóa bằng phương thức khác chưa kể ở trên như bán trực tiếp hoặc chuyển phát theo địa chỉ, bán thông qua máy bán hàng tự động.

Netlink Việt Nam đang có vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng và giá trị vốn chủ sở hữu là 5,33 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo định giá của Công ty TNHH Định giá SSB Việt Nam, giá trị sở hữu 100% vốn tại Netlink Việt Nam lên tới 344,94 tỷ đồng, bằng 64,72 lần giá trị sổ sách.

Thành viên HĐQT mới của Yeah1
Thành viên HĐQT mới của Yeah1

Tất cả những quyết sách này được đưa ra sau khi nhà sáng lập Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thoái vốn, từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Cũng trong ngày ông Tống chia tay "đứa con" tinh thần của mình, hàng loạt cổ đông lớn cũng thông báo bán ra toàn bộ số cổ phần của doanh nghiệp.

Ban lãnh đạo mới của Yeah1 bổ sung một số gương mặt mới như ông Trần Hoài Nam - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Thái Tuấn nổi tiếng trong lĩnh vực dệt may và ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE. Chủ tịch HĐQT mới của Yeah1 thay thế ông Tống là bà Lê Phương Thảo - một người từng giữ chức quản lý lĩnh vực truyền thông, tiếp thị tại các tổ chức tài chính như SSI, VIB, HSC.

Tình hình kinh doanh của Yeah1 cũng tươi sáng hơn khi kết thúc quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 71 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ song lợi nhuận gấp 4 lần cùng kỳ đạt 20,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thu về 14,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 56,8 tỷ.

Lũy kế 9 tháng, Yeah1 có doanh thu thuần chỉ 70 tỷ nhưng lãi sau thuế 22,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm nặng 253,5 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản Yeah1 đạt 1.264 tỷ đồng.

Yeah1 từng là hiện tượng trên sàn chứng khoán khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 6/2018. Những ngày đầu chào sàn HoSE, thị giá YEG vượt 300.000 đồng/cp, thuộc nhóm cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán. Công ty đầu tiên trong ngành truyền thông niêm yết trên sàn thời điểm đó còn đặt mục tiêu đạt giá trị vốn hóa tỷ USD.

Tuy nhiên, không những không trở thành kỳ lân, giá trị vốn hóa của công ty còn lao dốc không phanh từ năm 2019 khi bị YouTube chấm dứt hợp tác mạng đa kênh vì những vi phạm trong quản lý nội dung. Giá cổ phiếu YEG từ đây bắt đầu đi xuống triền miên, hiện đang giao dịch ở mức giá 12.200 đồng/cp, tương đương mức giảm 90% so với thời kỳ hoàng kim.

Tuệ Minh

Tin cũ hơn
Xem thêm