Xuất khẩu nông sản tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm

Cập nhật: 10:55 | 02/08/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo báo cáo của Trung tâm tin học Thống kê, Bộ NN&PTNT, trong 7 tháng đầu năm 2021, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Nguy cơ nhập siêu thương mại năm 2021 đang hiện hữu

Cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 1,83 tỷ USD trong nửa đầu tháng 7/2021

Xuất khẩu tôm sẽ bứt tốc vào cuối năm 2021?

Trong đó, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng 28,9% và tăng trưởng 56,3% so với cùng kỳ năm 2020, Trung Quốc chiếm 19,2%.

Tổng Cục Thủy sản cho biết, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng đến thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, thị trường cá tra nguyên liệu trong nước tháng 7 năm 2021 chững lại và tôm nguyên liệu ĐBSCL gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Ở chiều ngược lại ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 7 năm 2021 đạt 160 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020.

5356-xuatkhaunongsan
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nguồn nhập khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2021 chủ yếu từ Ấn Độ chiếm tỷ trọng là 14,6%, Nauy là 12% và Trung Quốc là 8,6%.

So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 từ các thị trường này đều tăng, mức tăng lần lượt là 31,9%, 20,4% và 43,7%.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và căng thẳng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tổ chức "Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ nhãn và sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng tại Hà Nội năm 2021".

Thông tin từ Sở NN&PTNT Đồng Tháp, địa phương này hiện có hơn 5.300ha nhãn. Trong khi đó, tại tỉnh Sóc Trăng cũng có hơn 3.100ha nhãn, dự kiến thu hoạch từ nay đến cuối năm. Mặc dù vậy, việc làm thế nào để vận chuyển và phân phối thông suốt lượng nhãn này từ Nam ra Bắc là điều khó khăn, do nhiều địa phương, bao gồm cả Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội.

Để hỗ trợ tiêu thụ khối lượng nhãn của 2 tỉnh, trên cơ sở "luồng xanh" được áp dụng thời gian qua, các địa phương sẽ chủ động có phương án cho từng ngày để vận chuyển ra phía Bắc, trọng tâm là Hà Nội. Tại Hà Nội sẽ bố trí các điểm tập kết và phân phối mặt hàng này một cách khoa học.

Hiện, Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng kịch bản chi tiết cho từng cung đường, còn Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã lên danh sách các địa điểm bán. Việc triển khai cụ thể trong điều kiện dịch bệnh sẽ được các đơn vị phối hợp trong những ngày tới.

Ngoài trái nhãn, với những nông sản khác như khoai lang, xoài, chanh, cam, quýt, cá tra và hơn 100 sản phẩm OCOP, cơ chế trên cũng sẽ được áp dụng. Mục tiêu là hỗ trợ tối đa việc tiêu thụ nông sản cho các địa phương phía Nam, giảm bớt khó khăn cho người nông dân.

Cũng trong chương trình hội nghị đã diễn ra lễ ký kết trực tuyến 4 hợp đồng giữa các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản của tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng với chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội. Đây là cơ sở giúp các bên có sự phối hợp nhịp nhàng để tiêu thụ hiệu quả nhất trong thời gian tới.

Hạ Vy