Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng mạnh trong tháng 5/2021

Cập nhật: 09:31 | 08/06/2021 Theo dõi KTCK trên

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại tháng 5 của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản tháng 5/2021 ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,8% so với tháng 4/2021 và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Giá cà phê hôm nay 8/6/2021: Chưa có biến động mới

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm vì nhu cầu giảm

Giá cà phê liên tục tăng và chạm đỉnh 5 năm

Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay. Trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng lên tới 58,7% về lượng và tăng gần 94% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 548.000 tấn, trị giá 923 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn cũng tăng trưởng mạnh đạt 27,5%, tương tự, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm này là thủy sản và hàng rau quả cũng tăng lần lượt là 12% và 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu giảm 15,6% về lượng nhưng kim ngạch tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 124.000 tấn, trị giá 387 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hạt tiêu tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm nay, với mức giá xuất khẩu bình quân đạt 3.127 USD/tấn, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm 2020.

3016-xuatkhau
Ảnh minh họa

Cùng với hạt tiêu, giá xuất khẩu các mặt hàng nông sản khác trong 5 tháng đầu năm nay cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như cà phê tăng 7,3%, chè tăng 3,2%, cao su tăng 22,3%, sắn và sản phẩm sắn tăng 10,4%...

Đối với mặt hàng gạo, dù khối lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm nay giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng bù lại giá xuất khẩu gạo lại tăng gần 12%, đạt bình quân 543 USD/tấn. Nhờ đó kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu năm 2021 không giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm 0,7%.

Về xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là cá tra. Tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt hơn 600 triệu USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020. Các thị trường nhập khẩu mạnh cá tra Việt Nam tăng nhanh trong thời gian này là Trung Quốc, Mỹ, Brazil và Thái Lan.

Đơn cử như, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt khoảng 27 triệu USD, Thái Lan 26 triệu USD với mức tăng lần lượt 38,7% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

"Sự tăng trưởng xuất khẩu trở lại thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất ASEAN là Thái Lan là một tín hiệu tốt nhằm tăng giá trị xuất khẩu cá tra sang khu vực này trong quý tới", đại diện VASEP đánh giá.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam kể từ đầu năm 2021. Trong tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng tới hơn 120% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 35 triệu USD.

Kể từ cuối năm 2020, lượng cá tra tồn kho tại Mỹ không còn nhiều. Sản lượng cá da trơn nội địa của nước này cũng sụt giảm. Do đó, ngay từ đầu năm, Mỹ đã tăng nhập khẩu cá tra đông lạnh trở lại.

Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tăng mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam kể từ đầu năm 2021.

Tổng trị giá xuất khẩu cá tra sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đến cuối tháng 5 cũng đạt khoảng 146 triệu USD, chiếm gần 24% tổng trị giá xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Thị trường này trở về vị trí dẫn đầu trong tốp các thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Biến động bởi dịch bệnh trong 2 năm qua tác động không nhỏ đến chiến lược bán hàng của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ngoài các yếu tố giảm giao thương do các chính sách giãn cách xã hội được thực hiện tại các nước, giá cước vận chuyển tăng cao và tình trạng thiếu container vận chuyển phục vụ hàng hoá xuất khẩu cũng chưa được giải quyết.

Điều này buộc các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đồng lòng thay đổi chiến lược bán hàng để duy trì, giữ vững khách hàng, vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang (Tp. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã thay đổi cách thức mua bán với đối tác.

Thay vì bán giá CIF - giao hàng đến cảng nước nhập khẩu thì doanh nghiệp chuyển sang ký kết hợp đồng bán giá FOB - giao hàng tại cảng Việt Nam. Với phương thức này, việc vận chuyển sẽ do đối tác nhập khẩu lo hoàn toàn.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các nước nhập khẩu kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nguyên liệu để các nhà máy chế biến lại có nguy cơ thiếu do chu kỳ nuôi cá kéo dài từ 7-8 tháng, không thể tăng nhanh đột biến được.

Hiện ngành cá tra có hơn 60% nguyên liệu được doanh nghiệp chủ động nuôi nên đã có kế hoạch dự liệu cho thị trường phục hồi trở lại.

Hạ Vy

Tin cũ hơn
Xem thêm