Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Doanh nghiệp tăng tốc đạt 44 tỷ USD

Cập nhật: 11:50 | 11/11/2021 Theo dõi KTCK trên

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, từ khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, các DN bắt đầu tăng tốc sản xuất trở lại để đáp ứng các đơn hàng. Dự kiến, ngành Nông nghiệp nhiều khả năng đạt được 44 tỷ USD sau những ngày ảm đạm.

Giá cà phê hôm nay 11/11/2021: Cà phê Robusta đảo chiều tăng mạnh

Tiềm năng thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội lớn để hàng Việt 'đứng chân' tại thị trường EU

Đà tăng giá cao su sẽ kéo dài đến hết quý I/2022?

10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 38,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD trong năm 2021, những tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng tốc sản xuất, khơi thông thị trường.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thông tin, các DN gỗ đang từng bước hồi phục sản xuất để đáp ứng các đơn hàng cuối năm. Tin vui nhất cho ngành gỗ Việt Nam là vừa qua Mỹ đã khép lại vụ điều tra về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Điều này sẽ giúp ngành gỗ có cơ hội bứt phá trong thời gian tới. 10 tháng vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua thị trường Mỹ đạt khoảng 7,4 tỷ USD.

0803-xuatkhau
Ảnh minh họa

Theo ông Lập, khoảng 50% DN cần tối thiểu 6 tháng để phục hồi công suất so với trước dịch COVID-19. Hiện tại, giá nguyên liệu đầu vào và giá cước vận chuyển tiếp tục tăng cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong tháng 10, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt trên 3,4 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước tính đạt gần 38,8 tỷ USD.

Theo ông Tiến, đến thời điểm này ngành nông nghiệp tự tin sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD như đề ra.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 37,5 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre… Mỹ hiện vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.

Cụ thể, 10 tháng năm 2021 giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 7,5 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với trên 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, sự chuyển dịch trong thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm đã giúp nông nghiệp trở thành ngành tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đóng góp 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5,6% năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và những hiệp định thương mại tự do sẽ giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Mặt khác, cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu về nông sản của các nước tăng cao, nhiều nước thu mua dự trữ nông sản cho năm tiếp theo để đề phòng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây được coi là điểm tựa để các ngành hàng, DN kịp thời đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo.

Nhằm bảo đảm lưu thông thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, các tổ công tác của Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT các tỉnh, DN, hiệp hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc của chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ nông sản tại địa phương để có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời. Bộ cũng đã giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thường xuyên cập nhật tình hình cung - cầu nông sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cùng với việc thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước ASEAN, Peru, Brazil, Nga... trong khuôn khổ hợp tác nông nghiệp song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt thị trường, thông tin kịp thời đến địa phương, DN những cảnh báo, quy định mới của thị trường xuất khẩu.

Cung cấp thông tin quy định về hạn ngạch đối với các mặt hàng nông sản thực thi hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như tăng cường các hoạt động đẩy mạnh quảng bá nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu…

Thanh Hằng

Tin cũ hơn
Xem thêm