Xuất khẩu gỗ bật tăng: Doanh nghiệp tìm giải pháp thích ứng với chi phí logistics tăng cao

Cập nhật: 16:31 | 02/06/2022 Theo dõi KTCK trên

Xuất khẩu gỗ và nội thất đã có sự phục hồi nhanh chóng trong quý I/2022 và được dự báo có nhiều triển vọng tăng trưởng trong năm nay. Tuy nhiên, cước vận tải biển quốc tế đã tăng "phi mã" trong hai năm qua và vẫn tiếp tục neo ở mức cao khiến cước vận tải nội địa liên tục tăng là thách thức lớn của tất cả doanh nghiệp hiện nay.

TP. Hồ Chí Minh: Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2022

Vượt qua khó khăn, xuất khẩu duy trì tăng trưởng

Đẩy mạnh hiệu quả tiêu thụ vải thiều Bắc Giang năm 2022

Theo báo cáo ngành gỗ của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ trong quý I/2022 đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và nội thất gỗ trong quý I tăng 6,5% so với cùng kỳ và 39% so với quý trước, đạt 3,9 tỷ USD do các nhà máy gỗ trong nước đã hoạt động trở lại và chạy ở 90 -100% công suất sau COVID-19.

Tính chung kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất từ đầu năm đến hết tháng 4/2022 đạt gần 5,5 tỷ USD, hoàn thành 33% kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đặt ra cho năm 2022.

1627-xuatkhaugo
Ảnh minh họa

Nhận định về triển vọng của ngành hàng trong thời gian tới, VNDirect cho rằng nhu cầu toàn cầu vẫn duy trì ở mức cao nhưng chi phí tăng cao gây áp lực lên doanh nghiệp.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ về đồ gỗ, chiếm 22,5% giá trị nhập khẩu đồ gỗ của Mỹ năm 2021 nhưng ba trong số mười nhà sản xuất gỗ lớn nhất Trung Quốc đã phải đóng cửa các nhà máy ở Thượng Hải và Giang Tô do ảnh hưởng của COVID-19.

Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn sang các nước châu Âu và Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung gỗ nguyên liệu trên toàn cầu và kéo theo giá gỗ nguyên liệu tăng cao.

Theo trang Trading Economics, giá gỗ xẻ Mỹ tăng 25% so với đầu năm tính tới tháng 3/2022, đạt 1.412 USD/board feet. Biên lợi nhuận gộp của hầu hết các công ty gỗ và nội thất đều giảm trong quý I do nguyên liệu đầu vào và chi phí hậu logistic cao.

Cụ thể, chi phí vận chuyển container đã tăng từ 1.500 USD/container 40ft (chặng Thượng Hải-Los Angeles) vào tháng 7/2019 lên gần 8.852 USD/container 40ft vào tháng 3/2022 tăng gấp 6 lần trong vòng 5 năm.

VN Direct dự báo: "Mặc dù chi phí vận chuyển có dấu hiệu hạ nhiệt vào tháng 4/2022, giảm 10% so với tháng trước đó nhưng chúng tôi dự báo rằng chi phí logistic sẽ vẫn ở mức cao khoảng 7000 USD/container 40ft vào năm 2022 do mức giá dầu cao hiện nay. Như vậy chi phí logistics cao cùng với nguồn cung thiếu hụt sẽ tiếp tục đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao vào năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty gỗ và nội thất trong năm 2022".

Ông Võ Quốc Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho rằng, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước một số cơ hội nhất định khi các nhà mua hàng quốc tế ngày càng chú trọng, đánh giá cao sản phẩm đồ gỗ, nội thất của Việt Nam và dịch chuyển mạnh về thu mua. Đến nay hầu hết doanh nghiệp đã kín đơn hàng đến quý III, thậm chí hết năm 2022.

Các Hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cũng tạo cơ hội để gỗ và các sản phẩm từ gỗ Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu quan trọng. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội, doanh nghiệp phải có chiến lược cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Lợi, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán với các tổ chức tài chính để tăng hạn mức vốn lưu động, tạo điều kiện để thương thảo các hợp đồng mua nguyên vật liệu, dịch vụ logistics dài hạn với mức giá tốt hơn. Đồng thời, cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có chiến lược mua hàng hợp lý và tối ưu hóa về chi phí sản xuất. Doanh nghiệp ngành gỗ cũng hợp tác, liên kết với các hiệp hội để mua chung nguyên vật liệu với số lượng lớn, đàm phán với đối tác để có kế hoạch xuất hàng dài hạn.

Với chiến lược dài hạn, doanh nghiệp ngành gỗ chủ động đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới để tiết kiệm chi phí, giảm hao hụt, tiết giảm nhân công. Ứng dụng công nghệ vận chuyển hàng hóa, chuyển đổi số và tận dụng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại một cách hiệu quả nhất để duy trì, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm các đại lý hãng tàu cấp 1, có uy tín trên thị trường để hạn chế tình trạng đặt chỗ qua tay nhiều đại lý dẫn đến giá cước vận chuyển và phụ phí bị đẩy lên cao so với giá công bố của hãng tàu. Đồng thời, phải nắm rõ và kiểm soát được cấu trúc chi phí vận chuyển theo từng tuyến, theo từng đơn vị hàng hóa để có lựa chọn tối ưu cho việc vận chuyển.

Một trong những "nút thắt" trong vấn đề vận chuyển quốc tế đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được các chuyên gia đề cập là trên 95% sản lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu do các hãng tàu nước ngoài nắm giữ nên các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt không thể kiểm soát, điều chỉnh giá cước vận chuyển.

Tình trạng này đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội phải đầu tư phát triển hãng tàu, đặc biệt là các tuyến xa như châu Âu, Bắc Mỹ mới có thể cải thiện được vấn đề một cách lâu dài. Mặt khác, các thủ tục hành chính, giải phóng hàng tại cảng phải đơn giản, nhanh chóng để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Hạ Vy