Xuất khẩu cá tra tháng 8 lao dốc vì dịch bệnh

Cập nhật: 11:30 | 24/09/2021 Theo dõi KTCK trên

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cuối tháng 7 khi dịch COVID-19 lan nhanh từ TP HCM xuống các tỉnh miền Tây thì các doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam hứng chịu đầu tiên trong chuỗi thủy sản.

Thị trường xuất khẩu cà phê lạc quan những tháng cuối năm 2021

Nửa đầu tháng 9/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt thêm hơn 1,5 tỷ USD

Giá tiêu có thể đứng vững mức 80.000 đồng/kg đến cuối năm 2021?

Cụ thể, tại thời điểm đó, nhiều nhà máy không thể ứng phó kịp đã phải đóng cửa hoàn toàn. Do đó, tháng 8 giá trị xuất khẩu cá tra giảm 30% so với tháng trước và giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng lo rằng sự sụt giảm giá trị xuất khẩu cá tra nguyên nhân chính không bởi thị trường nhập khẩu mà do công suất của tất cả các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đã giảm tối đa.

Do đó, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

2404-xuatkhaucatra
Ảnh minh họa

Điển hình như Trung Quốc, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hong Kong giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng, tổng giá trị xuất trị sang thị trường này đạt 262 triệu USD, giảm 11,5%.

Ngay từ đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã không giữ được nhịp trưởng mạnh như các năm trước. Một trong những nguyên nhân lớn là do chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc với yêu cầu kiểm dịch hàng hóa với SAR-CoV-2.

Ngoài Trung Quốc, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8 cũng giảm mạnh. Cụ thể, giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ chỉ đạt gần 23 triệu USD, giảm 30% so với tháng 7 nhưng tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù doanh nghiệp được hưởng mức thuế CBPG tốt và thị trường Mỹ rộng cửa nhập khẩu cá tra đông lạnh nhưng công suất hoạt động của nhà máy không thể đáp ứng.

Tiếp đến là khu vực Mỹ Latinh cũng trên đà giảm. Cụ thể, trong tháng 8 giá trị xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt gần 4 triệu USD, giảm 30% so với tháng 7 nhưng tăng gần 50% so với tháng 8/2020.

Tính đến hết tháng 8, tổng giá trị xuất cá tra sang Mexico đạt 46 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài Mexico, Brazil là thị trường có nhiều dư địa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra song giá trị xuất khẩu cá tra tháng 8 cũng giảm 45% so với tháng 7, giảm 10% so với cùng kỳ 2020.

Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu cá tra, cá thịt trắng của Mexico và Brazil tương đối tốt. Do đó, các doanh nghiệp cá tra cần sớm ổn định sản xuất, công suất và đáp ứng tốt hơn các đơn hàng.

Tuy nhiên, cho tới nay, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra sang Brazil và Mexico vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội, chống dịch và giảm tối đa công suất, thiếu lao động.

Xuất khẩu cá tra sang EU vẫn ảm đạm dù có lợi thế EVFTA

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 25 nghìn tấn, trị giá 57,5 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới hầu hết các thị trường lớn thuộc EU trong nửa đầu năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA, các sản phẩm cá tra xuất khẩu vào EU được giảm thuế về 0% sau 3 năm khi EVFTA có hiệu lực, riêng cá tra hun khói là 7 năm. Tuy nhiên sau hơn một năm thực thi EVFTA, xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới thị trường EU gặp nhiều khó khăn trước tác động của dịch COVID-19.

Theo số liệu của Eurostat, 4 tháng đầu năm Việt Nam đang là thị trường cung cấp cá da trơn lớn nhất cho EU, chiếm 98% về lượng và giá trị nhập khẩu cá da trơn của EU từ ngoài khối này.

Tuy nhiên các sản phẩm cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh rất mạnh với các nguồn cung cấp khác cho EU. Điều này đang tạo ra nhiều thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới EU.

Khi tỷ trọng cung cấp cá da trơn của Việt Nam cho thị trường EU là 97% thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nhà cung cấp khác khi EVFTA có hiệu lực là ở nhóm hàng cá thịt trắng khác nhập khẩu vào EU.

Hiện nay, EU là thị trường có yêu cầu cao nên nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng hoặc ưu tiên xuất khẩu cá tra tới những thị trường khác thuận tiện và phù hợp hơn như Trung Quốc và ASEAN.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cá tra của Việt Nam tới EU trong giai đoạn nửa cuối năm sẽ không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU.

Tuy nhiên, diễn biến của dịch COVID-19 tại thị trường trong và ngoài nước cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn nhất đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Hiện hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh tại hàng loạt địa phương trên cả nước.

Do vậy, cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới.

Hạ Vy