Xây dựng kịch bản để nền kinh tế sẵn sàng tăng tốc sau khi đại dịch được khống chế

Cập nhật: 09:29 | 11/10/2021 Theo dõi KTCK trên

Hiện nay, phòng, chống COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng việc chuẩn bị các kịch bản để nền kinh tế sẵn sàng phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế là rất cần thiết.

Ngân hàng Nhà nước: Chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế đã gần tới hạn

Sức hấp dẫn của các doanh nghiệp Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài

Dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên cả nước. Số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự khó khăn trong việc tồn tại với thị trường khi trong 9 tháng qua, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 90.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Sức chống chọi của các doanh nghiệp với "cơn cuồng phong" Covid-19 đang yếu dần với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới, trung bình mỗi tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

2758-kinhte
Ảnh minh họa

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên số một, cùng với đó là cần chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để nền kinh tế sẵn sàng đón cơ hội tăng tốc sau khi dịch được khống chế. Bởi hiện các doanh nghiệp đều đang "kiệt quệ" cho nên đây được xem là thời điểm "vàng" để khôi phục sản xuất, nếu còn chần chừ sẽ bỏ lỡ cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi.

Do đó, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt trong tạo điều kiện thuận lợi để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp; chỉ đạo các địa phương bãi bỏ ngay các quy định riêng của các địa phương về hạn chế, kiểm tra, kiểm soát vận tải hàng hóa giữa các vùng.

Tuy nhiên, cũng cần thống nhất từ trung ướng đến địa phương cách thực hiện, đặc biệt không cho phép “đẻ ra” các giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp. Phải luôn xem doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể để lắng nghe, chia sẻ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng những chính sách thiết thực, đúng, trúng, đủ nhằm giúp các doanh nghiệp yên tâm dồn sức cho sản xuất. Có như vậy mới tạo tiền đề vững chắc cho doanh nghiệp và nền kinh tế có sức bật phục hồi, phát triển đi lên sau đại dịch.

Hà Nội phục hồi chuỗi sản xuất thúc đẩy tăng trưởng

Tại những khu công nghiệp lớn phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…, nhờ chống dịch hiệu quả, các khu vực này vẫn đang là cực thu hút FDI, duy trì sản xuất và thậm chí là hỗ trợ các đơn hàng trong Nam khi phải đóng cửa giãn cách.

Còn TP Hà Nội đang xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng của năm nay ở mức 3,97% và 4,54%. Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, hướng tới các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Câu chuyện quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ dựa trên kế hoạch, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp.

Theo dự báo tăng trưởng của các tổ chức, định chế tài chính toàn cầu, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Rõ ràng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết, nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp hoạt động ổn định. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tránh tâm lý hoang mang trong chống dịch, dẫn đến đứt gãy sản xuất và lao động.

Kiên định với các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Nghị quyết nhấn mạnh việc tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95%-100% kế hoạch cùng với giữ vững ổn định chính trị xã hội. Với những giải pháp cụ thể, hy vọng rằng Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu kép, sớm đưa đất nước trở về trạng thái "bình thường mới".

Thu Uyên (Tổng hợp)

Tin cũ hơn
Xem thêm